Đây là đánh giá mới nhất của Bộ Y tế tại tổng kết giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2 Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” diễn ra ngày 12-5 tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường sau 4 năm triển khai giai đoạn 1 Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, thuốc sản xuất trong nước đã chiếm lĩnh và đáp ứng 50% thị phần thị trường dược phẩm, cũng như nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh của nhân dân.
Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng thuốc nội trong các bệnh viện đã tăng lên rõ rệt. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, nếu như trước khi triển khai đề án, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các bệnh viện tuyến tỉnh và thành phố chỉ đạt khoảng 34% thì hiện đã tăng tới gần 36%, còn lại tuyến huyện tăng lên tới trên 69,4%. Thậm chí có không ít địa phương đã đạt được mục tiêu đề án đặt ra khi có tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại tuyến huyện lên tới 80%, tuyến tỉnh tới 60% như: Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An.
Để đạt được kết quả này, ngành Y tế và cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp ưu tiên phát triển thuốc nội, trong đó việc triển khai thực hiện các quy định mới về đấu thầu thuốc sử dụng trong các bệnh viện do BHYT chi trả với nhưng quy định thể hiện chủ trương ưu tiên sản xuất thuốc trong nước đã đóng góp không nhỏ vào kết quả bước đầu đạt được của đề án.
Đáng chú ý, cùng với việc mở rộng chiếm lĩnh thị trường dược phẩm, chất lượng thuốc sản xuất trong nước cũng không ngừng được nâng cao không thua kém thuốc ngoại nhưng giá thành hợp lý nên đã chiếm được niềm tin của người dân, cán bộ y tế, cũng như các bệnh viện.
Đến nay, thuốc Việt đã có 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với 520 hoạt chất trên tổng số 953 hoạt chất đang lưu hành trên thị trường. Tính đến nay, cả nước đã có trên 163 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của WHO, đặc biệt một số doanh nghiệp đi đầu đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như EU, Nhật Bản.
Các nhà máy dược phẩm đầu tư nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với việc thiết lập hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để sản xuất được nhiều sản phẩm công nghệ cao, đặc trị như: kháng sinh, vaccine, sinh phẩm...
Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, trong giao đoạn 2 của Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” năm 2017-2020, Bộ Y tế sẽ tiếp tục có những cơ chế, chính sách thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và đẩy mạnh sử dụng thuốc sản xuất trong nước để đạt được mục tiêu là tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước tại bệnh viện tuyến trung ương lên 30%, tuyến tỉnh 50% và tuyến huyện tới 75%. Đồng thời tăng tỷ lệ kê đơn cấp thuốc sản xuất tại Việt Nam cho bệnh nhân điều trị ngoại trú hàng năm tăng 5-10%
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng thẳng thắn, dù việc sử dụng thuốc nội ở tuyến huyện và tỉnh tăng cao nhưng đối với các bệnh viện ở tuyến Trung ương, tuyến cuối việc sử dụng thuốc trong nước vẫn ở mức thấp - khoảng 11%. Song dấu hiệu đáng mừng là dù thuốc nội theo giá trị sử dụng tại các bệnh viện tuyến cuối thấp nhưng số lượng mặt hàng đã có sự tăng mạnh. Trong đó nổi lên một số bệnh viện như: Chợ Rẫy tỷ lệ sử dụng thuốc nội theo giá trị chỉ đạt khoảng 13% nhưng theo số lượng mặt hàng lên tới 40%; Bệnh viện Thống Nhất tỷ lệ sử dụng thuốc nội theo giá trị gần 21% song số lượng mặt hàng lên tới hơn 65%...
Lý giải về thực trạng này, đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc nội ở tuyến trung ương còn thấp do đặc thù các bệnh viện tuyến cuối nên thường xuyên phải sử dụng thuốc chuyên khoa sâu như: gây mê, hồi sức, tim mạch, chống thải ghép, ung thư hoặc các kháng sinh thế hệ mới điều trị nhiễm khuẩn nặng. Trong khi đó, phần lớn các thuốc trong nhóm chuyên khoa sâu, đặc trị lại chưa sản xuất được ở trong nước.
Do đó, Bộ Y tế tiếp tục có khuyến khích các nhà sản xuất thuốc trong nước đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, liên doanh liên kết, hoặc sản xuất nhượng quyền để sản xuất được các loại thuốc cho các chuyên khoa sâu, đặc trị nhằm giảm bớt nhu cầu nhập khẩu nhóm thuốc này.
Thanh Hà