Thứ Tư, 22/1/2025
Xã hội hóa các trạm y tế xã, phường: Ðánh thức những tiềm năng
Người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách tiện lợi hơn rất nhiều
Trạm y tế, doanh nghiệp và người dân cùng lợi

Sau tròn 1 tháng hoạt động theo mô hình mới (từ 19/5), mỗi ngày, Trạm y tế Phường 11 (quận 3, TP.HCM) đã tiếp nhận trên 30 bệnh nhân đến khám bệnh. Đáng nói là trước đó, Trạm y tế phường 11 hầu như không có người bệnh đến khám vì cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu bác sĩ. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội TP.HCM thì trong năm 2016, tổng số 322 trạm y tế xã, phường có 70 trạm y tế ở khu vực nội thành đăng ký khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT nhưng không hề có bệnh nhân đến khám và Trạm y tế Phường 11 nằm trong số đó.

Với mô hình xã hội hóa trạm y tế đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh, Trạm y tế Phường 11 (quận 3) là sự nâng cấp và kết hợp giữa cơ sở y tế địa phương với mô hình phòng khám đa khoa hiện đại, được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế theo đúng tiêu chuẩn như máy siêu âm 4D, máy Xquang kỹ thuật số, máy xét nghiệm sinh hóa huyết học tự động sẽ giúp hoạt động chẩn đoán tại Trạm y tế tốt hơn. Bên cạnh đó, trạm y tế này còn được bổ sung đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, được tư vấn hỗ trợ về mặt chuyên môn từ các bệnh viện lớn cấp thành phố cũng như cấp Trung ương.

Theo đó, mô hình trạm y tế xã hội hóa được thực hiện các nhiệm vụ từ phục vụ công tác khám chữa bệnh ban đầu, khám bảo hiểm y tế, khám sức khỏe, trở thành tuyến kế cận giảm tải cho các tuyến trên, đặc biệt phát huy hoạt động Bác sĩ gia đình theo định hướng của Bộ Y tế. Quan trọng hơn cả, theo đánh giá của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Trạm y tế phường 11 (quận 3) vẫn giữ được chức năng chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế như tiêm chủng, phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, khám chữa bệnh cho gia đình chính sách.

Nét tích cực từ mô hình đầu tiên là động lực thúc đẩy tiếp tục nhân rộng tại hệ thống trạm y tế các phường lân cận trên địa bàn quận 3 và lần lượt các quận 1, quận 2, quận Phú Nhuận, huyện Nhà Bè và nhiều quận huyện khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Công tư cần minh bạch

Mô hình này được hình thành bằng sự kết hợp giữa cơ sở y tế địa phương và doanh nghiệp. Theo tính toán, để nâng cấp chất lượng cơ sở trạm y tế phải cần 20 tỷ đồng/trạm. Đây là việc rất khó thực hiện nếu không kêu gọi hợp tác công - tư. Tuy nhiên, việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia nâng cấp hệ thống y tế cấp xã, phường không đơn giản khi vừa phải đảm bảo lợi ích cho bên đầu tư vừa đảm bảo duy trì tốt chức năng chuyên môn vốn có của một trạm y tế.

Tại các nước phát triển có mô hình khám chữa bệnh theo hình tháp xuôi, nghĩa là khi có nhu cầu khám chữa bệnh, người dân đến y tế cơ sở trước và nhà nước cũng quy định không được đến thẳng cơ sở y tế tuyến cuối. Do đó, các bệnh viện tuyến cuối có điều kiện phát triển chuyên sâu. Hiện nay, theo thống kê thì số lượng bệnh nhân đến các bệnh viện tuyến cuối của thành phố chiếm 52%, phòng khám của bệnh viện quận/huyện chiếm khoảng 30%, bệnh viện tư, các phòng khám đa khoa tư nhân chiếm khoảng 17% và đến trạm y tế (cơ sở gần dân nhất) chỉ chiếm khoảng 4-6%

Bởi vậy, Dự án Xã hội hóa trạm y tế phường, xã không chỉ tăng cường hiệu quả cho các trạm y tế vốn đã trì trệ bấy lâu nay mà đương nhiên góp phần mở rộng hệ thống khám, chữa bệnh ban đầu một cách quy củ, uy tín tới gần bà con hơn, về lâu dài sẽ giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Hoàng Phong


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi