Thứ Tư, 22/1/2025
Ðầu tư cho y tế tuyến xã
Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em tại Trạm y tế Nghĩa Dõng (TP Quảng Ngãi)

 

Ba khâu đột phá

Với sự có mặt của bác sĩ tại hơn 78,5% số xã trong toàn quốc, y tế là ngành đầu tiên đã đưa cán bộ có trình độ đại học về nông thôn, tạo sự chuyển biến mới về y tế cơ sở (YTCS). Nhờ đó, hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được triển khai thường xuyên, rộng khắp. Tuy nhiên, để phát huy những thành tựu đạt được cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, Nhà nước và ngành y tế cần có các giải pháp đột phá, khả thi và hiệu quả cho y tế tuyến xã cả về nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ chế tài chính... Việc đầu tư cho y tế cơ sở không chỉ là giải pháp hữu hiệu nhất, tiết kiệm nhất mà là việc làm nhân văn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các chuyên gia chỉ rõ, vấn đề chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến xã cần được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, xác định vị trí của bác sĩ, nhân viên điều dưỡng, hộ sinh tuyến cơ sở rất quan trọng, cần được chuẩn hóa và đánh giá công khai, đi liền với đó cần có chính sách đãi ngộ tốt hơn cho đội ngũ này. Nếu các đơn vị YTCS phát triển và cung cấp được các dịch vụ có chất lượng sẽ giúp tiết kiệm rất lớn cho người dân trong chăm sóc sức khỏe. Việc đổi mới, tăng cường YTCS cần tập trung vào vùng sâu, vùng xa để bảo đảm không có người dân nào bị bỏ sót về chăm sóc y tế. Ngoài ra, đổi mới YTCS cần lưu ý đến y tế dự phòng, theo hướng thay đổi việc cung cấp dịch vụ y tế tại các trạm y tế dựa trên nhu cầu của người dân thay vì cung cấp quá nhiều dịch vụ.

Giáo sư Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Y tế cho rằng, ngành y tế cần làm tốt việc quản lý toàn diện người bệnh để người dân được tư vấn, theo dõi sức khỏe liên tục, suốt đời và điều trị khi cần thiết. Chính vì vậy, nhiệm vụ của trạm y tế không phải chỉ tập trung và ưu tiên cho việc khám và điều trị các ca bệnh riêng lẻ hoặc chỉ giải quyết các ổ dịch khi có dịch xảy ra như trước đây. Nhiệm vụ y tế xã là triển khai các nhiệm vụ phòng bệnh ngay từ cấp độ "0", nghĩa là dự phòng các yếu tố nguy cơ. Trong thời điểm hiện nay cũng như giai đoạn tới, ngoài việc tập trung giải quyết các bệnh truyền nhiễm thì các bệnh không lây nhiễm, các bệnh mãn tính, các bệnh liên quan đến lối sống, các hoạt động nâng cao sức khỏe là hết sức cần thiết và y tế tuyến xã đóng vai trò rất quan trọng. Quan điểm mới hiện nay là không tách rời các nhiệm vụ điều trị và dự phòng tại tuyến xã mà chung "khái niệm" chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Ði liền với đó là việc thống nhất trong thực hiện tổ chức, quản lý y tế tuyến xã theo tinh thần Nghị định 117/2014/NÐ-CP của Chính phủ về y tế xã, phường, thị trấn theo hướng trạm y tế trực thuộc trung tâm y tế huyện và cán bộ làm việc tại trạm là viên chức; chú trọng việc luân chuyển, điều phối cán bộ giữa các tuyến làm việc tại trạm y tế xã để người dân được tiếp cận với cán bộ y tế có năng lực mà không nhất thiết 100% số trạm y tế xã có bác sĩ. Ðồng thời cần đổi mới toàn diện cơ chế đầu tư tài chính cho trạm y tế xã. Xem xét việc quy định bổ sung danh mục bảo hiểm y tế được thanh toán, về lâu dài bảo hiểm y tế cần thanh toán cho cả các hoạt động phòng bệnh; xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản ở tuyến xã để triển khai các hoạt động. Ðáng chú ý, hiện nay y tế tuyến xã đang áp dụng phần mềm về khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, báo cáo bệnh truyền nhiễm, hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia và đang xây dựng hệ thống thông tin quản lý sức khỏe toàn dân; trong tương lai các hệ thống thông tin này cần liên kết với nhau.

Hiện thực hóa những mục tiêu cụ thể

YTCS được xem như là nền tảng xương sống của ngành y tế. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển YTCS là chiến lược gắn liền với chăm sóc sức khỏe người nghèo và công cuộc xóa đói giảm nghèo. Một nền y tế không nghèo hóa người dân là khi họ được tiếp cận với các dịch vụ y tế ở tuyến YTCS có chất lượng cao, giá thành hợp lý. Vì vậy, quan tâm đầu tư cho YTCS không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà còn của các bộ, ngành, các tổ chức, đoàn thể và chính quyền các địa phương cũng như chính mỗi người dân. Chăm sóc y tế hiệu quả nhất, nhân bản nhất là ngay từ cơ sở.

Với đặc thù tỉnh vùng cao, bác sĩ Nguyễn Văn Lê, Phó Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng cho rằng, cần nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao hiệu quả phối hợp của các cấp, các ngành đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ, nâng cao trình độ và chất lượng chuyên môn theo nhiều hình thức: đào tạo liên tục, đào tạo dài hạn tại các trường đại học, đào tạo theo hình thức "cầm tay chỉ việc"; đào tạo và triển khai thực hiện mô hình bác sĩ gia đình, mô hình quản lý các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường... Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho y tế xã về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, thuốc thiết yếu để trạm y tế xã thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng người dân trên địa bàn.

Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2348/QÐ-TTg phê duyệt đề án phát triển YTCS trong tình hình mới với các mục tiêu cụ thể: Ðổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới YTCS, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị giữa các cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm sự quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Phấn đấu đến năm 2020, ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được ít nhất 80% số danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 70% số xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã; phấn đấu 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; hoàn thành việc đầu tư trạm y tế ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Ðến năm 2025, 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được ít nhất 90% số danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, ngành y tế cùng với các bộ, ngành và chính quyền các địa phương triển khai mạnh mẽ các hoạt động, tập trung thực hiện đổi mới về tổ chức, xây dựng các quy định nhằm đổi mới cơ chế về tài chính, thực hiện chính sách về luân chuyển cán bộ, đào tạo, cải cách thủ tục hành chính... Những nội dung đã có chính sách phù hợp thì tiếp tục thực hiện nhanh chóng trên phạm vi cả nước. Những nội dung còn đang hoàn thiện thể chế thì nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng bảo đảm chỉ tiêu và tiến độ như mục tiêu trong Quyết định số 2348 của Thủ tướng đã nêu.

Bích Vân

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi