Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo trên cả nước” đã và đang đào tạo 78 bác sĩ thuộc chín chuyên ngành tại Trường Đại học Y Hà Nội với một khung chương trình đào tạo đặc biệt theo hình thức cầm tay chỉ việc. Đến nay, đã khớp được cung cầu và tuyển dụng được 25 bác sĩ thành viên chức của 12 bệnh viện tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế trước khi đưa về công tác tại các huyện nghèo, khó khăn.
Bảy bác sĩ đầu tiên được bàn giao đã trải qua hai năm đào tạo chuyên sâu gồm năm bác sĩ chuyên khoa Nhi, một bác sĩ Ngoại và một Chẩn đoán hình ảnh. Hai nữ bác sĩ Cao Thị Hồng Yến và Trần Thị Loan sẽ về công tác tại Mường Khương (trong hai năm); năm bác sĩ nam còn lại về công tác tại các huyện nghèo Bắc Hà, Sốp Cộp, Ba Bể, Pác Nậm, Mường Nhé (trong ba năm).
Hiệu trưởng Trường Đại học Y - PGS, TS Nguyễn Đức Hinh đánh giá, đây đều là những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi tại Trường đại học Y Hà Nội và các Trường Đại học Y - Dược khác, tình nguyện tham gia dự án và tiếp tục được đào tạo bài bản tại Đại học Y Hà Nội. Sau hai năm đào tạo, ngày hôm nay, bảy bác sĩ trẻ đã nhận bằng tốt nghiệp Chuyên khoa I và được Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại y tế cơ sở, các bác sĩ trẻ trở về làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và sẽ trở thành nguồn cán bộ được đào tạo về các chuyên khoa sâu hoặc đào tạo về công tác quản lý y tế. Ngoài ra, họ còn được hưởng các chế độ đối với cán bộ y tế làm việc tại vùng sâu, miền núi, vùng khó khăn.
Tại 62 huyện nghèo trên cả nước còn thiếu khoảng 600 bác sĩ thuộc 15 chuyên khoa. Dự án này phần nào sẽ giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực y tế có trình độ chuyên môn chuyên sâu để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ: “Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó, tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội”.
Đồng thời, Bộ trưởng đánh giá Dự án sẽ tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Phát biểu tại lễ bàn giao, bác sĩ trẻ Nguyễn Chiến Quyết bày tỏ sự vinh dự và hạnh phúc khi là một trong bảy bác sĩ trẻ đầu tiên tình nguyện lên công tác tại vùng cao lần này. “Tôi đã được khám cho người dân ở những vùng khó khăn, được tiếp xúc với nhân viên y tế và thấy được sự khó khăn về kinh tế, địa lý, trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực của các cơ sở y tế. Đọng lại trong tôi là hình ảnh những người dân tộc, người nghèo, đặc biệt là người già và trẻ em ít được tiếp cận các dịch vụ y tế. Hiện nay, các bệnh viện tuyến huyện thiếu 10 đến 20 bác sĩ chuyên khoa, có bác sĩ đảm nhiệm cả những chuyên khoa không phải là của mình làm tôi rất khâm phục. Tôi xin hứa, với những gì đã được các thầy cô truyền dạy, chúng tôi sẽ phát huy tối đa những gì học được, rèn luyện, trau dồi chuyên môn để chăm sóc sức khỏe tốt hơn nữa cho người dân địa phương”.
Theo PGS, TS Nguyễn Đức Hinh, Dự án đang thí điểm đào tạo tại Trường Đại học Y Hà Nội và năm tới sẽ triển khai thêm tại trường Đại học Huế và Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến đến năm 2020, dự án sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn nêu trên.
Ngày 27-6 tại huyện Bắc Hà, Lào Cai, 70 bác sĩ trẻ đang học tại Đại học Y Hà Nội đã khám sức khỏe tình nguyện cho bà con. Theo PGS, TS Nguyễn Đức Hinh, 70 bác sĩ trẻ triển khai khám sức khỏe ban đầu cho bà con về khám nội, tai – mũi – họng, siêu âm, điện tim.... Trong hai ngày 27 và 28-6, dự kiến các bác sĩ trẻ sẽ khám cho 500 bà con và phát thuốc, tặng quà cho bà con.
Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, đây là những hoạt động thường xuyên định kỳ của nhà trường. Hoạt động này là tiêu chí rèn luyện cho các em sinh viên về kỹ năng tiếp xúc với cộng đồng, huấn luyện kỹ năng mềm cũng như để đánh giá về sự rèn luyện của các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Nhiều năm qua, các thầy trò trường Đại học Y Hà Nội đã đặt chân đến nhiều nơi khó khăn trên cả nước, giúp đỡ cho các bà con ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
|
Thanh Nam