Thứ Năm, 19/12/2024
Kiến tạo môi trường để y tế tư nhân phát triển

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện các cơ sở y tế tư nhân đã trao đổi, thảo luận một số vướng mắc về cơ chế chính sách, giúp người dân thay đổi nhận thức về y tế tư nhân, cũng như thực trạng hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân trong công tác khám chữa bệnh – bảo hiểm y tế (KCB – BHYT).

Tới tham dự buổi tọa đàm có: TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI; Ông Vũ Xuân Bằng, Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Bà Phạm Thị Hải, Phó trưởng Phòng Quản lý hành nghề khám chữa bệnh, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế; Bà Hoàng Thị Bích Ngọc, Phó trưởng Phòng Tài chính sự nghiệp, Vụ Tài chính kế hoạch, Bộ Y tế; Bà Nguyễn Thu Hương, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra – kiểm tra – Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Ông Vũ Xuân, Phó trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam; Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội; Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; cùng hơn 100 hội viên của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đến từ các tỉnh thành trong cả nước.

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 90/CP về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa của Chính phủ ban hành (21-8-1997), nhiều doanh nhân và doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng bỏ vốn hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng bệnh viện, phòng khám. Đến nay, các cơ sở y tế tư nhân đã không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Thế nhưng trong quá trình phát triển vẫn tồn tại một số bất cập trong việc triển khai và thực hiện các chính sách pháp luật về y tế khiến hệ thống y tế ngoài công lập gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong thời kỳ kinh tế hội nhập.

Tọa đàm gồm hai nội dung chính: Quá trình xây dựng, thực hiện chính sách y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 90/CP ngày 21-8-1997 của Chính phủ; những hạn chế, bất cập trong việc quản lý, thực hiện các chính sách về y tế tư nhân. Và thực trạng hiện tượng trục lợi quỹ BHYT tại các cơ sở y tế ngoài công lập; giải pháp về chính sách để thúc đẩy y tế tư nhân phát triển.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, hiện nay, nhiều đánh giá cho thấy có sự bất công bằng giữa cơ sở công lập và tư nhân. Mặc dù thực tế cho thấy thời gian qua, cơ sở tư nhân phát triển khá mạnh nhưng so với các cơ sở y tế công lập được nhà nước đầu tư thì còn gặp vấn đề về vốn và nhiều vấn đề khác như quy định về phân tuyến, chấm dứt hợp đồng của cơ quan bảo hiểm xã hội mà không dựa trên điều khoản hay quy định nào, công tác truyền thông sai lệch…

Bên cạnh đó, ông Vũ Xuân Bằng, Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bày tỏ, trong thời gian vừa qua, hệ thống tư nhân phát triển khá mạnh. Nếu như các cơ sở y tế công lập được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất và họ đã có thương hiệu tồn tại từ rất lâu như bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức…thì các cơ sở y tế tư nhân phải tự lực đầu tư từ cơ sở vật chất, trả lương cho người lao động đến việc xây dựng thương hiệu.Do đó, theo ông Bằng, việc phát triển cơ sở y tế tư nhân là khó khăn hơn rất nhiều không chỉ về vốn mà còn nhiều vấn đề khác.

Hiện nay, có gần 500 cơ sở y tế ngoài công lập và hoạt động đang rất tốt nhưng thực tế vẫn còn những tồn tại nhất là trong việc thực hiện bảo hiểm y tế. Qua quá trình đi kiểm tra, ông Bằng cho biết, đa số những cơ sở ngoài công lập còn những thiếu sót là do chưa nắm chắc về chính sách, Luật Khám chữa bệnh. Vì thế ông Bằng cũng đưa ra lời khuyên rằng các cơ sở y tế tư nhân cần phải bám sát văn bản để làm và trong quá trình thực hiện nếu vướng thì có thể đề đạt lên Hiệp hội và Hiệp hội có thể trao đổi lại cơ quan cao hơn để có những giải đáp phù hợp. “Chúng ta không nên vì một vài hiện tượng làm ảnh hưởng cả một nền y tế tư nhân đang phát triển” – ông Bằng nói.

Nói về vấn đề chưa có sự công bằng giữa cơ sở y tế tư nhân và y tế nhà nước, bà Nguyễn Thị Quang Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân nhận định, hiện nay, có nhiều vướng mắc khiến các cơ sở y tế tư nhân trong hoạt động nghề nghiệp. Thứ nhất, về đào tạo và chính sách của ngành y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh: Có những chương trình đào tạo lại, nhiều chương trình đào tạo có kinh phí của nhà nước, nhưng chỉ có cơ sở công lập mới được tham gia, còn các cơ sở tư nhân, bệnh viện tư nhân không được quan tâm.

Thứ hai, về sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ. Thực tế nhiều tổ chức phi chính phủ muốn hỗ trợ cơ sở vật chất cho các bệnh viện tư nhân, nhưng cơ chế để bệnh viện tư nhân được nhận hỗ trợ thì hầu như không có, mà chỉ có đầu tư cho các cơ sở của nhà nước. Thứ ba, ngành y tế có chủ trương phối hợp mô hình hợp tác công tư theo Nghị quyết 93/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế. Tuy nhiên, chủ trương này gây ra nhiều bất cập. Đó là sự mất công bằng trong đầu tư, không rõ ràng giữa công và tư.

Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đóng góp của đại biểu từ các cơ sở y tế tư nhân trên cả nước rất sôi nổi, đa chiều và đưa ra nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở y tế tư nhân thực hiện KCB BHYT. Những ý kiến tại buổi tọa đàm sẽ góp thêm tiếng nói để các cơ quan quản lý xem xét, điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung các chính sách đã ban hành nhằm tạo nên sự công bằng, bình đẳng giữa các cơ sở y tế công lập và y tế tư nhân, đồng thời giúp việc quản lý cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác KCB ngày một tốt hơn.

Phương Anh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất