Thứ Năm, 19/12/2024
Chăm sóc sức khỏe sinh sản để nâng cao chất lượng dân số

Huyện Đồng Phú hiện có 16.403 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi). Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác DS-KHHGĐ của huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó việc truyền thông chuyển đổi hành vi của người dân được đặt lên hàng đầu. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, chi hội trưởng phụ nữ; tổ chức nói chuyện chuyên đề về chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Truyền thông lồng ghép tại các hội nghị, trên loa truyền thanh, tư vấn trực tiếp... Nhờ đó, phụ nữ khám thai đạt hơn 90%; phụ nữ khi sinh được cán bộ có chuyên môn chăm sóc đạt 87%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân và thể thấp còi, tử vong mẹ và trẻ em trên địa bàn huyện đều giảm.

Hằng năm, Trung tâm DS- KHHGĐ đã cung cấp tờ rơi về chăm sóc SKSS, KHHGĐ đến từng hộ dân, đồng thời phối hợp Trung tâm Y tế huyện tổ chức hỗ trợ kỹ thuật tại trạm y tế các xã thuộc địa bàn khó khăn, bảo đảm thuốc thiết yếu, trang thiết bị, dụng cụ y tế, phương tiện tránh thai. Đầu năm 2017, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã tổ chức phát miễn phí 348 hộp sữa Dumex cho 87 bà mẹ mang thai và nuôi con dưới 6 tháng tuổi có hoàn cảnh khó khăn, trị giá gần 108 triệu đồng.

Tại các xã, thị trấn, người dân được tuyên truyền về kiến thức chăm sóc SKSS-KHHGĐ, cách phòng bệnh viêm nhiễm đường sinh sản; lợi ích của sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; khám sức khỏe tiền hôn nhân; ảnh hưởng của mất cân bằng giới tính khi sinh... Trung tâm DS-KHHGĐ huyện phối hợp Trung tâm Y tế huyện và các đơn vị liên quan thực hiện cung cấp các dịch vụ kỹ thuật về chăm sóc SKSS-KHHGĐ; cử cán bộ chuyên môn khám, phát hiện các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản thông thường...

Chúng tôi đến Trạm Y tế xã Tân Lập đúng lúc phòng tư vấn chăm sóc SKSS-KHHGĐ đang tư vấn, khám cho nhiều chị em. Chị Nguyễn Thị Kim Hồng, nữ hộ sinh phụ trách phòng tư vấn cho biết: “Chúng tôi tư vấn người dân trong việc sử dụng các biện pháp KHHGĐ phù hợp, ngoài ra chị em còn được siêu âm, khám phụ khoa, phát thuốc. Phòng sử dụng tài liệu, hình ảnh, dụng cụ trực quan để tư vấn kiến thức cần thiết về chăm sóc SKSS cho người dân”. Chị Nguyễn Thị Lan, 33 tuổi, ở xã Tân Lập cho biết: “Có con 15 tháng tuổi nhưng do sinh mổ nên tôi muốn đến trạm y tế để được các y, bác sĩ tư vấn biện pháp KHHGĐ. Đến đây, được tư vấn nhiều kiến thức, kỹ năng chăm sóc SKSS và tôi đã lựa chọn được biện pháp phù hợp để tránh thai hiệu quả”.

Mô hình câu lạc bộ tư vấn tiền hôn nhân ở Đồng Phú được triển khai tại 5 xã, gồm Thuận Lợi, Thuận Phú, Tân Tiến, Tân Lợi và Đồng Tâm với 100 thành viên tham gia. Câu lạc bộ giúp thanh niên trang bị kiến thức về SKSS, giảm tình trạng nạo phá thai, quan hệ tình dục không an toàn trước hôn nhân, góp phần duy trì gia đình hạnh phúc. Anh Phạm Hoàng Long, Bí thư Đoàn xã Tân Tiến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiền hôn nhân xã cho biết: Lúc đầu sinh hoạt của câu lạc bộ khá thụ động, qua vài lần các bạn chủ động hơn, đặt ra nhiều câu hỏi, tình huống trong thực tế để cán bộ y tế hướng dẫn. Việc mạnh dạn tìm hiểu những vấn đề chưa biết, hoặc vì ngại mà từ trước đến nay không dám hỏi sẽ giúp thanh niên tự tin, hiểu biết hơn.

Ngoài ra, Trung tâm DS-KHHGĐ còn phối hợp Trung tâm Y tế huyện và các trường THPT, THCS trên địa bàn tổ chức sinh hoạt ngoại khóa về giới tính, SKSS... từ đó giúp các em có thêm kiến thức để phòng tránh và hạn chế những tai biến, rủi ro có thể xảy ra. Lứa tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi về tâm, sinh lý. Các em đang có nhu cầu tìm hiểu, khám phá về bản thân và bạn khác giới, bởi vậy cung cấp kiến thức về chăm sóc SKSS cho các em là việc cần thiết. Đây cũng là cơ sở để các em có thêm hành trang kiến thức, tự tin bước vào đời.

Thanh Nam


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất