Thứ Ba, 21/1/2025
Chuyện cảm động về cựu bác sĩ quân y Biên phòng - “Công dân Thủ đô Ưu tú” năm 2017
Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn - Phó Chính ủy BĐBP tới thăm và trao Bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP cho cựu Trung tá, bác sĩ Đặng Cát

Cựu Trung tá, bác sĩ quân y Biên phòng Đặng Cát (SN 1938) vinh dự trở thành một trong số 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017 vinh danh ngày 8/10/2017. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề y tại tỉnh Nam Định, năm 1952, chàng trai trẻ Đặng Cát gia nhập Quân đội. Thời gian đầu, Đặng Cát được phân công làm y tá cho Đội Điều trị 2 của Cục Quân y, phục vụ khắp các chiến trường từ Tây Bắc đến Thượng Lào rồi Điện Biên Phủ. Năm 1959, Đặng Cát được biên chế vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng (BĐBP), sau đó, được cử đi học trở thành bác sĩ.

Năm 1970, ông được cử về làm Chủ nhiệm quân y tại Công an vũ trang tỉnh Sơn La. Thời gian này, Đặng Cát trở thành bạn của nông dân khi song song với các phương pháp điều trị bằng tây y, ông giúp họ chữa bệnh bằng nhiều bài thuốc dân gian hiệu quả điều trị cao. Hai đề tài y học là tẩy sán dây bằng rễ cây hạt lựu và hạt cau; Chữa bệnh cổ vai gáy và cột sống lưng được ông nghiên cứu và ứng dụng điều trị thành công trên người bệnh.

Bác sĩ Đặng Cát cho biết: “Tôi sử dụng rễ hạt lựu và hạt cau sắc lên cho đồng bào dân tộc uống, kết quả khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi tính hiệu quả của nó. Có những con sán dài vài mét được đẩy ra khỏi cơ thể bệnh nhân”.

Thời gian gắn bó với Sơn La, rất nhiều bệnh nhân đã được ông cứu chữa. Bác sĩ Đặng Cát nhớ mãi lần mình cứu cậu bé 3 ngày tuổi tên Nguyễn Thành Đồng vào năm 1972. Khi sinh ra cậu bé Đồng hoàn toàn bình thường nhưng bốn ngày tuổi, bụng bé bắt đầu chướng to. Gia đình đưa bé đi cấp cứu nhưng đến ngày thứ 8 thì bị trả về. Ông kể: “Gia đình bé gọi vào lúc nửa đêm, vơ vội túi sơ cứu, tôi trèo đèo sang nhà cậu bé. Nơi đơn vị tôi đóng quân chỉ cách nhà cậu bé khoảng 1 km nhưng do địa thế đồi núi nên đi lại rất khó khăn”.

Sang đến nơi, thấy cậu bé đang thoi thóp, bụng phình to, khóc ngằn ngặt, ông khám lâm sàng rồi chẩn đoán cậu bé bị nhiễm độc. Sau khi dùng mọi khả năng có thể để cứu cậu bé, đến ngày thứ 13 bụng cậu bé xẹp dần, chịu bú sữa mẹ.

10 năm bám bản, bám làng ở Sơn La, bác sĩ Đặng Cát trở về làm Chủ nhiệm Quân y Trường Sĩ quan Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng) cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1989.

Bác sĩ Đặng Cát gọi bệnh nhân của ông là “thủ trưởng”, ông giải thích: “Đối với tôi, bệnh nhân luôn là “thủ trưởng”, “cấp trên” và mình là người phục vụ. Mọi bệnh nhân thường có tâm lý căng thẳng khi mang trong mình bệnh tật, tôi gọi thế để họ được thoải mái, cũng là cách để đạt hiệu quả cao khi khám, chữa bệnh”. Trong những “thủ trưởng” mà bác sĩ Đặng Cát giới thiệu, có người đã gắn bó với ông gần 20 năm nay như ông Đỗ Văn Long (ở tổ 19, cụm 3 phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội).

Ông Long kể: “Năm 1999, khi đang là công nhân xí nghiệp, tôi bị u ở thái dương bên trái. Vì hoàn cảnh khó khăn, sợ mất việc nên tôi không dám đi viện. May mắn tôi được bác sĩ Cát  khám và điều trị trong thời gian tương đối dài với khoảng 200 mũi kháng sinh đến khi khối u xẹp hẳn thì thôi. Năm 2002, tôi tiếp tục có u ở cổ và ngực, được bác sĩ Cát chữa trị dứt điểm, khỏe mạnh cho đến bây giờ. Thật sự tôi rất cảm phục và coi bác như ân nhân”.

“Trong tây y, người ta gọi bệnh của ông Long là cường tuyến giáp, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến ung thư tuyến giáp. Từ việc thăm khám, tôi đã chỉ định dùng những loại thuốc đặc biệt để ngăn chặn, diệt những tế bào xấu trên cơ thể bệnh nhân, kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp cho bệnh nhân. Chính vì thế mà hiệu quả điều trị rất tốt”- bác sĩ Đặng Cát nói về trường hợp của bệnh nhân Long.     

Sau khi nghỉ hưu, bác sĩ Cát có thời gian toàn tâm chữa bệnh miễn phí cho nhân dân. Thời gian đầu, đối tượng chủ yếu được ông khám chữa bệnh là bà con lối xóm trong khu dân cư mình sinh sống. Đối với những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn ở nội thành Hà Nội và lân cận, hàng ngày ông đạp xe đến từng nhà để thăm khám, chữa bệnh miễn phí. Ông cứ âm thầm làm công việc của mình quanh năm, suốt tháng dù nắng hay mưa. “Tiếng lành đồn xa”, bệnh nhân tìm đến với ông ngày một đông hơn. Có cả những người ở tận TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh hay tỉnh Cà Mau… cũng tìm đến để mong được ông giúp đỡ. 

Gần 30 năm chữa bệnh cho dân, ông không hề nhận bất kỳ một khoản tiền nào của gia đình bệnh nhân. Khi được hỏi, vất vả như thế, sao ông không lấy một ít tiền công khám mà trang trải phần nào chi phí đi lại, ông liền “vặn” lại: “Lấy làm gì? Tiền lương hưu của tôi là đủ tiêu rồi!” Không chỉ khám và điều trị những căn bệnh thông thường, bác sĩ Cát còn điều trị rất hiệu quả nhiều căn bệnh khó như nấm, hẹp van tim, thiểu năng tuần hoàn não... Bên cạnh đó, từ những năm về nghỉ hưu, ông bắt đầu nghiên cứu về u bướu. Tính đến nay đã có hơn 100 ca u phổi, u tuyến giáp, u dạ dày, u đại tràng… được ông điều trị khỏi, cho kết quả tốt.

Đến nay, dù sức khỏe không còn được như trước nữa nhưng bác sĩ Đặng Cát vẫn duy trì khám, chữa bệnh tại nhà cho người nghèo. Ông Cát cho biết, bản thân rất phấn khởi khi được TP Hà Nội vinh danh. “Tôi sẽ cố gắng cứu chữa được nhiều người hơn nữa để mang lại sức khỏe, niềm vui cho mọi người”- ông Cát nói.

Ở đời, cần lắm những tấm lòng như thế! 

Lam Hạnh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất