Thứ Tư, 22/1/2025
Chú trọng chăm sóc sức khỏe sinh sản tại vùng cao Bắc Cạn

Chị Lý Thị S, 25 tuổi, dân tộc Mông ở thôn Bản Cảm, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm trở dạ, được mẹ chồng đỡ đẻ sinh con tại nhà mình. Sau khi sinh, chị S bị băng huyết. Ba giờ sau, gia đình đưa đến Trạm Y tế xã Cổ Linh cấp cứu nhưng do mất quá nhiều máu chị S đã chết, để lại cho chồng là anh Hoàng Văn Dí nỗi buồn vô hạn và gia cảnh “gà trống” nuôi ba con nhỏ. Trong đó có người con vừa lọt lòng mẹ. Anh Dí ân hận, nếu như anh kiên quyết đưa vợ đến Trạm Y tế xã sinh con thì sự việc đau lòng đã không xảy ra. Anh trai anh Dí là Hoàng Văn Dẻ cho biết: "Rất nhiều chị em dân tộc Mông trên địa bàn xã Cổ Linh và nhiều xã khác thuộc huyện Pác Nặm đến nay vẫn giữ tập quán sinh nở ở nhà, trường hợp gặp “trục trặc” thì mới đến trạm y tế". Tuy nhiên, có thực tế khiến tình trạng sinh con tại nhà vẫn diễn ra phổ biến là đường đến trạm y tế xa xôi cách trở, có khi mất nửa ngày leo đèo lội suối, người ốm đi lại đã khó, phụ nữ đang mang thai còn khó gấp nhiều lần.

Trạm trưởng Y tế xã Cổ Linh Hoàng Minh Thu cho biết: “Ở các thôn vùng cao có đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống, dân trí còn thấp, nhiều chị em trong độ tuổi sinh đẻ không thạo tiếng phổ thông, có thôn cách trạm y tế 10 km đường rừng nên người dân không đi khám thai, không đến sinh nở tại trạm y tế xã dẫn đến tử vong mẹ và con xảy ra không phải là ít”. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm Cổ Linh là xã có tỷ lệ sinh con tại nhà cao nhất huyện với khoảng 40% tổng số ca sinh của toàn xã, riêng năm 2016 chiếm hơn 43%. Trong ba năm trở lại đây, năm nào xã cũng có trường hợp chết do sinh tại nhà hoặc bị tai biến sau sinh. Năm 2016, huyện Pác Nặm có gần 770 phụ nữ sinh con thì có đến 267 người sinh con tại nhà, chiếm gần 35%; từ đầu năm 2017 đến nay, toàn huyện có gần 190 phụ nữ sinh con thì có 67 người sinh tại nhà.

Tình trạng sinh con tại nhà diễn ra phổ biến ở nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh như: Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn... Thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Bắc Cạn cho thấy, những năm qua, số phụ nữ sinh con tại nhà mà không có cán bộ y tế can thiệp luôn chiếm tỷ lệ từ 7 đến 10%. Việc sinh con tại nhà tiềm ẩn nhiều rủi ro, do người đỡ đẻ không có kiến thức về sinh sản, việc đỡ đẻ chủ yếu theo thói quen hay kinh nghiệm cho nên rất dễ xảy ra nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, băng huyết... Mặt khác, nếu gặp các biến chứng như sản giật, vỡ tử cung hay các ca sinh khó sẽ không biết cách xử trí, dễ dẫn đến tử vong; nhiều trường hợp bị tai biến để lại những di chứng nặng nề cho bà mẹ, trẻ em.

Những năm qua, ngành y tế tỉnh Bắc Cạn đã triển khai nhiều cuộc giám sát, họp bàn, hội thảo, tập huấn, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong vùng đồng bào DTTS nhưng tình hình sinh con tại nhà vẫn ở mức cao. Nguyên nhân là do dân trí ở nhiều nơi còn thấp, kinh tế khó khăn, người dân chưa thật sự thuận lợi khi tiếp cận với các dịch vụ y tế; nhân viên y tế ở nhiều thôn, bản là nam giới dẫn đến các sản phụ còn e ngại khi thăm khám, tư vấn, đỡ đẻ.

Trước tình hình trên Sở Y tế Bắc Cạn đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cô đỡ thôn, bản và đã phát huy kết quả bước đầu. Tuy nhiên, nhiều cô đỡ là người dân tộc Tày, sinh sống ở trung tâm thôn, bản, trong khi thôn, bản trải rộng, địa hình hiểm trở, không nói, nghe được tiếng Mông, Dao dẫn đến bất đồng ngôn ngữ, hiệu quả tuyên truyền, vận động chưa cao. Chính quyền địa phương, các đoàn thể ở thôn, bản chưa tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân, còn có tình trạng phó mặc cho cán bộ y tế, cộng tác viên dân số dẫn đến tình trạng sinh con tại nhà diễn ra còn khá phổ biến. Khắc phục thực trạng này, cần có giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tế, cụ thể là cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, sự nhiệt tình của đội ngũ cô đỡ thôn, bản, trang bị gói đẻ sạch để thực hiện các ca đỡ đẻ an toàn tại các thôn, bản xa xôi hẻo lánh, sản phụ không thể ra trạm y tế được. Đồng thời, đội ngũ này vừa là người trực tiếp tuyên truyền vừa là người tham mưu cho bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các đoàn thể để có sự tuyên truyền, thuyết phục thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản ở từng thôn, bản. Đội ngũ cô đỡ, cộng tác viên dân số, cô đỡ thôn, bản phối hợp chặt chẽ với các trạm y tế xã quản lý thật tốt sức khỏe sinh sản trên địa bàn, mỗi phụ nữ mang thai được khám định kỳ, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản thường xuyên, tuyên truyền, vận động, đưa đi trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện để sinh con an toàn.

Thế Bình

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất