Ngày 28/4/2017, Công đoàn ngành Y tế đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-CĐN gửi các công đoàn cơ sở trực thuộc về xây dựng mô hình “Dân vận khéo” ngành Y tế giai đoạn 2017-2020.
Theo kế hoạch, chỉ tiêu đối với Công đoàn ngành là triển khai mô hình “Xây dựng ngân hàng máu sống ngành Y tế”; đối với Công đoàn cơ sở trực thuộc đăng ký ít nhất 01 mô hình Dân vận khéo và triển khai thực thiện mô hình Dân vận khéo của ngành Y tế đạt hiệu quả. Đối với cá nhân: có ý tưởng hay, cách làm sáng tạo, tham mưu được những giải pháp đúng đắn cho cấp ủy tại cơ quan, đơn vị và kinh nghiệm vận động cán bộ, viên chức, người lao động (CBVC-NLĐ) được thừa nhận là “khéo” có sức lan tỏa và tính bền vững.
Mục đích của việc xây dựng mô hình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành về công tác dân vận; ý nghĩa, tầm quan trọng, tác động tích cực của phong trào thi đua “Dân vận khéo” đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, tuyên truyền trong cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành có đủ sức khỏe tích cực tham gia hiến máu tình nguyện góp phần cứu sống người bệnh cần truyền máu.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; đảm bảo thiết thực, cụ thể, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, của từng cơ quan, đơn vị, nguyện vọng của CBVC-NLĐ.
Hình thức xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”
* Đối với tập thể:
- Mô hình “Dân vận khéo” phải được đăng ký theo quy định: Có tên gọi, địa điểm triển khai; Cơ quan, đơn vị thực hiện; Nội dung, hình thức hoạt động phù hợp, phát huy được quyền làm chủ của CBVC- NLĐ;
- Mô hình “Dân vận khéo” cần kết hợp hài hòa 3 lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội; tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia của cộng đồng, nhân dân, viên chức và người lao động, đảm bảo hiệu quả, thiết thực;
- Mô hình “Dân vận khéo” phải mang tính xã hội sâu sắc, có tính khái quát cao, có sức lan tỏa, tổng kết và nhân rộng được ra các đơn vị trong toàn ngành, đảm bảo tính bền vững của mô hình.
* Đối với cá nhân: Có thành tích tiêu biểu trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; khéo trong tuyên truyền, vận động nói phải đi đôi với làm; không tham nhũng và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân. Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, đơn vị; tạo được uy tín cá nhân, có sức lôi cuốn để CBVC-NLĐ tin và làm theo; Có ý tưởng hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc tham mưu, phản ánh với các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của CBVC-NLĐ.
Ban thường vụ Công đoàn ngành Y tế yêu cầu các công đoàn cơ sở trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung kế hoạch mô hình Dân vận khéo của ngành Y tế; hàng năm báo cáo kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” về Công đoàn ngành Y tế trước ngày 30/10; Tổng kết và Hồ sơ đề nghị khen thưởng Cá nhân và tập thể điển hình Dân vận khéo giai đoạn 2017-2020 gửi về Công đoàn ngành hạn chót 29/4/2020.
Hải Ân