Thứ Năm, 19/12/2024
Bác sĩ của dân bản
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Quảng Đức tuyên truyền cho đồng bào Dao Thanh Phán các kiến thức về y tế.

VŨNG NƯỚC BẨN NHÀ ANH MẰN

Dẫn chúng tôi đi dọc con đường tuần tra biên giới, Thượng uý Phùn Văn Dũng, người dân tộc Dao, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quảng Đức, giới thiệu mỗi khi anh đi làm công tác vận động quần chúng thường đi cùng với Thượng uý quân y Lương Anh Tuấn. Người khác có thể nói dân bản chưa nghe chứ Thượng uý Tuấn mà nói gì thì họ đều nghe ngay.

Anh Tằng Cắm Mằn, một hộ người Dao ở bản Vắn Tốc, xã Quảng Đức mời chúng tôi vào nhà uống nước. Để vào nhà anh phải đi qua một vũng nước to đen ngòm, ngan vịt lội bì bõm. Nâng chén trà lên ngần ngừ chưa định uống, Thượng uý Tuấn lắc đầu tỏ vẻ không hài lòng.

Từ đây, câu chuyện của Thượng uý Tuấn, anh Mằn và chúng tôi xoay quanh hướng dẫn cách chữa bệnh chuyển mùa, dịch bệnh do thời tiết ở vùng cao Quảng Đức tới cách ăn ở hợp vệ sinh, đảm bảo sức khoẻ. Thượng uý Tuấn tận tình phân tích vũng nước ứ đọng kia sẽ là nơi muỗi đẻ trứng sinh ra nhiều muỗi hơn, muỗi đốt có thể lây truyền nhiều bệnh trong đó có bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết. Nghe Thượng uý Tuấn phê bình, anh Mằn gãi đầu, gãi tai phân bua rằng để vũng nước to vì thương mấy con vịt không có chỗ bơi lội. Anh đưa vợ con ra đây được chính quyền chia cho một khoảng đất không rộng, chẳng có ao nên khó nuôi mấy con ngan, con vịt. Anh Tuấn bảo nhất định phải tìm phương án khác, có thể ở ngoài vườn xa chứ không được bố trí hồ nước trước cửa nhà kiểu đó.

Anh Tuấn cho biết: Vắn Tốc, một bản được thành lập từ năm 2005 gồm 37 hộ dân chuyển ra bám biên, giữ đất. Bởi vậy bản rất xa trung tâm xã. Mỗi khi trong bản có người dân đau ốm cần cấp cứu thì chuyển thương rất vất vả. Bởi vậy, ở Vắn Tốc bà con phải hết sức coi trọng công tác y tế dự phòng.

Theo Thượng uý Lương Anh Tuấn, Quảng Đức có độ ẩm không khí rất cao nên dễ phát sinh và lây lan một số dịch bệnh. Càng về trung tâm xã độ ẩm càng cao. Khu vực trung tâm Quảng Đức nằm trong thung lũng bốn bề là núi nên một năm 12 tháng thì có đến 9 tháng mưa. Quần áo phơi mấy ngày cũng chẳng khô vì không có nắng. “Nhưng vì độ ẩm cao do mưa, do sương mù nên tỷ lệ người bị mắc những bệnh thông thường về hô hấp sẽ rất cao. Một số dịch bệnh cũng dễ lây lan trong điều kiện thời tiết như vậy” - Thượng uý Tuấn bảo vậy.

TẤT CẢ VÌ SỨC KHOẺ CỦA ĐỒNG BÀO

Đồn Biên phòng Quảng Đức quản lý địa bàn biên phòng rất rộng gồm 14 xã, thị trấn của 2 huyện Đầm Hà và Hải Hà, trên 67km đường biên giới trên bộ và trên biển. Vì thế, việc xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, góp sức bảo vệ vùng biên đóng vai trò vô cùng quan trọng. Muốn vậy, Thượng uý Tuấn bảo bộ đội biên phòng phải gần dân, hiểu dân, giúp họ phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo, khám chữa bệnh chăm sóc sức khoẻ. Bà con dân bản xưa nay lại không có thói quen đi khám bệnh tại bệnh viện huyện phần vì đường xa, phần vì đời sống còn nhiều khó khăn. Thêm nữa, bà con dân tộc thiểu số có trình độ dân trí chưa cao, nhiều quan niệm hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong đời sống người dân. Rồi đến câu chuyện nước sạch sinh hoạt vẫn còn khá xa vời. Bà con toàn dùng nước suối hay nước tự chảy ở trên núi xuống, khó mà nói được có đảm bảo vệ sinh hay không. Tất cả làm cho công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao kiến thức chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân của ngành y tế gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, bộ đội biên phòng càng phải tăng cường xuống dân tuyên truyền nhiều hơn. Không chỉ ở Vắn Tốc, bà con người Dao ở Hải Hà đang ngày ngày bám đất, bám rừng giữ vùng biên, họ mà ốm đau hay bị dịch bệnh là coi như công việc của các chiến sĩ biên phòng gặp khó khăn thậm chí là không hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng bào bám đất, bám rừng thì bộ đội biên phòng cũng phải bám lấy đồng bào vừa là để giữ thế trận lòng dân vừa để giúp đỡ họ, khám chữa bệnh cho họ. Người trực tiếp phụ trách công tác quân y ở Đồn Biên phòng Quảng Đức hiện nay là Thượng uý Lương Anh Tuấn. Anh thường xuyên xuống từng nhà trong thôn, bản chơi, trò chuyện, thăm hỏi, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân. Thượng uý Tuấn biết từng gia đình người dân ở bản nào của Quảng Đức. Người dân nào đã từng bị bệnh gì anh đều nhớ. Trong đầu anh có hàng trăm hồ sơ bệnh án. Từ khi về đồn, đã khám chữa bệnh cho ai anh đều nhớ vừa lưu vào bộ nhớ của mình. Mỗi khi gặp họ anh lại hỏi thăm tình hình sức khoẻ ra sao, ăn uống cần kiêng cữ cái gì, chữa như thế nào? v.v..

Anh Trưởng Dùng Sàu, Trưởng bản Vắn Tốc kể: Anh Tuấn và các chiến sĩ ở Đồn thường xuyên xuống thăm hỏi, động viên, khám chữa bệnh cho nhân dân. Cán bộ giúp đỡ phát triển kinh tế thông qua hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật triển khai các mô hình trồng rừng, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Bởi vậy, đời sống của các bản làng người Dao ở Hải Hà giờ đây cũng đã khá lên rất nhiều. Đồng bào không còn sợ con ma rừng, giờ đã khoẻ mạnh và còn no ấm.

Anh Tằng Dếnh Thân, Trưởng bản Mốc 13, xã Quảng Đức góp chuyện: Năm vừa rồi đồn biên phòng hai lần tổ chức khám bệnh cấp phát thuốc cho bà con bản chúng tôi. Chúng tôi rất biết ơn cán bộ biên phòng nhất là những người cao tuổi như cha tôi hay ốm đau có đi bệnh viện thì đường xa nhà lại nghèo nên vất vả lắm!. Có các chiến sĩ biên phòng quan tâm đến các cụ, chúng tôi yên tâm hơn để làm ăn.

Năm 2016, theo thống kê chưa đầy đủ, Đồn Biên phòng Quảng Đức đã cấp phát thuốc miễn phí cho 165 lượt người dân. Đồn còn phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức nhiều đợt xuống tận bản làng khám chữa bệnh lưu động cho dân. Những chuyến đi ấy có cả lãnh đạo Đồn, thậm chí là Đồn trưởng cũng trực tiếp xuống dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ lúc này lại “chuyển vai” thành những tuyên truyền viên về y tế, về dân số, sinh đẻ có kế hoạch, bảo vệ môi trường sống.

Chia tay chúng tôi, Trưởng bản Vắn Tốc, Trưởng Dùng Sàu khoe trong năm 2017 này dân bản sẽ có nước sạch nông thôn để dùng. Đồng bào ăn uống vệ sinh để đẩy lùi bệnh tật. Đồng bào mà khoẻ mạnh thì công việc của các “bác sĩ riêng” cũng đỡ vất vả hơn.

Phạm Học

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất