Thứ Ba, 21/1/2025
Sơn La chung tay chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vùng cao
Khám bệnh cho người cao tuổi tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Sơn La.

Sơn La là tỉnh miền núi biên giới với phần lớn dân cư là người dân tộc thiểu số. Trong đó, gần 10% dân số là người cao tuổi. Hằng năm hơn 36.000 lượt người cao tuổi đến khám bệnh và điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trạm y tế; hơn 60.000 lượt người cao tuổi được điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Đình Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La cho biết: Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc khám, chữa bệnh cho người cao tuổi mới được lồng ghép với khám bệnh và điều trị chung tại các bệnh viện. Hiện các bệnh viện chưa có Khoa lão khoa; bác sỹ, điều dưỡng chưa được đào tạo chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nên ảnh hưởng tới hiệu quả chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn tỉnh Sơn La. UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số. Theo đề án, tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2015, 100% bệnh viện tuyến huyện ở các khoa có giường bệnh điều trị cho người cao tuổi; 100% bệnh viên tuyến tỉnh thành lập Khoa lão khoa hoặc Phòng khám, điều trị lão khoa. Cùng với đó, 80% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe; 90% người cao tuổi khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Ông Lê Hữu Đê, Trưởng ban đại diện Người cao tuổi tỉnh Sơn La cho biết: Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi là rất lớn. Do hạn chế về sức khỏe, người cao tuổi có nhu cầu khám, chữa bệnh và điều trị tại chỗ. Nếu bệnh viện có Khoa lão khoa hoặc Phòng khám, điều trị lão khoa sẽ giảm bớt nỗi lo phải đi xa. Người cao tuổi cũng được hưởng những dịch vụ chuyên biệt.

Theo ông Trần Đình Thuận, người cao tuổi có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển đời sống - xã hội, nhất là trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Với uy tín, hiểu biết và kinh nghiệm, người cao tuổi là cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền trong công tác tác tuyên truyền, vận động đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân tại địa phương.

Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025 của tỉnh Sơn La kỳ vọng nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đồng thời, Đề án nhằm nâng cao sức khỏe và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của người cao tuổi; đáp ứng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung...

Năm 2018, tỉnh Sơn La phát động tháng hành động vì người cao tuổi với chủ đề “Xã hội chung tay chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”. Theo đó, địa phương tập trung vận động nguồn lực để mua thẻ bảo hiểm y tế giúp người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Hiện còn khoảng 20% người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Sơn La chưa có thẻ bảo hiểm y tế, tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, địa phương sẽ rà soát, tiến hành lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người cao tuổi; phối hợp với Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La đưa chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” trở thành hoạt động thường niên.

Hoàng Phong

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất