Thứ Bảy, 20/4/2024
"Chìa khóa" nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh được đào tạo và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch từ Bệnh viện Nhi Trung ương

Ngành Y tế đặc biệt quan tâm phát triển mạnh kỹ thuật y tế chuyên sâu; đẩy mạnh ứng dụng, triển khai những công nghệ mới, kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh theo phương châm: “Trung ương làm được kỹ thuật nào thì Quảng Ninh cũng cơ bản làm được kỹ thuật đó”. Trước đây, những bệnh nhi bị dị tật tim bẩm sinh - còn ống động mạch phải chuyển tuyến Trung ương điều trị, nhưng từ tháng 7/2017, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh bắt đầu triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch cho các bệnh nhi bị dị tật tim bẩm sinh - còn ống động mạch. Bác sĩ Đinh Thị Lan Oanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết: Trong quá trình khám, chữa bệnh tại đơn vị, chúng tôi nhận thấy dị tật tim bẩm sinh chiếm đến 50% trong các dị tật tim bẩm sinh. Do đó, Bệnh viện đã xin ý kiến chỉ đạo của Sở Y tế cho phép triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch. Bệnh viện cử 1 kíp gồm 3 bác sĩ, 6 điều dưỡng học kỹ thuật can thiệp dị tật tim bẩm sinh - còn ống động mạch tại Bệnh viện Nhi Trung ương theo hình thức chuyển giao kỹ thuật. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm những can thiệp tim mạch khác cho trẻ em nhằm khai thác hiệu quả trang thiết bị và nguồn nhân lực được đầu tư. Song song, Bệnh viện sẽ sớm hoàn thiện quá trình tiếp nhận chuyển giao các thiết bị, kỹ thuật phá vách liên nhĩ trong điều trị tim bẩm sinh tại đơn vị.

Không riêng Bệnh viện Sản Nhi, các bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Đa khoa khu vực Cẩm Phả cũng chú trọng đào tạo chuyên sâu đối với chuyên ngành lâm sàng và một số chuyên ngành khác theo nhu cầu, định hướng phát triển của đơn vị. Ưu tiên đào tạo hợp đồng chuyển giao gói kỹ thuật, đào tạo nâng cao kỹ năng thực hành chuyên môn theo ê-kíp. Từ cách làm này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có ê-kíp phẫu thuật tim hở, can thiệp tim mạch; Bệnh viện Bãi Cháy làm chủ kỹ thuật xạ trị ung bướu…

Không chỉ ở tuyến tỉnh, công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng được quan tâm ở tuyến huyện. Các đơn vị cũng tạo điều kiện cho bác sĩ đi đào tạo sau đại học; tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên thông qua chỉ đạo tuyến; cử các kíp bác sĩ, điều dưỡng đi học ở tuyến trên. Nhờ đó nhiều trung tâm y tế tuyến huyện đã thực hiện được những kỹ thuật phức tạp như phẫu thuật nội soi, sử dụng máy thở, chạy thận nhân tạo, xử lý vết thương gan trong chấn thương, xử lý vết thương tim trong chấn thương, phẫu thuật sọ não… và nhiều kỹ thuật khó khác.

Có thể thấy, những năm qua, đội ngũ cán bộ y tế từ tỉnh đến cơ sở đã được kiện toàn về số lượng và chất lượng. Toàn ngành hiện có 5.204 công chức, viên chức, người lao động, trong đó có 1.496 bác sĩ, chiếm 28,7%.

Để nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong những năm qua, ngành Y tế đã có nhiều chủ trương, giải pháp mở rộng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cụ thể, ngành Y tế đã cử công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị trong ngành đi đào tạo trong quá trình công tác là 748 người, trong đó đào tạo sau đại học là 381 người, đại học là 367 người. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã liên kết đào tạo 5 lớp với 117 bác sĩ CKI (chuyên ngành ngoại, sản - nhi, hồi sức cấp cứu) với Trường Đại học Y Hà Nội. Các đơn vị cũng chọn cử cán bộ đi tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo ngắn hạn tại các bệnh viện, cơ sở y tế có chức năng đào tạo ở tuyến trên. Cùng với đào tạo trong nước, được sự quan tâm của tỉnh, ngành đã chủ động liên kết với các trường đại học về chuyên ngành y của nước ngoài trong công tác đào tạo, cử các cán bộ trẻ đi bồi dưỡng đào tạo tại một số nước như Đài Loan, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore... nhằm tiếp cận với các nền khoa học tiên tiến của nước ngoài và nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề. Từ năm 2017 đến nay đã có trên 100 lượt bác sĩ được cử đi đào tạo tại Đài Loan; bồi dưỡng theo chương trình mời của nước ngoài cho 155 cán bộ y tế.

Cùng với đó, ngành Y tế thực hiện các hợp đồng với các cơ sở đào tạo nhân lực y tế đối với trình độ bác sĩ đa khoa với hình thức đào tạo theo địa chỉ hoặc đào tạo cử tuyển cho 66 bác sĩ; bồi dưỡng 3 chuyên khoa: Mắt, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt) theo hợp đồng trong thời gian 3 tháng cho 44 bác sĩ, y sĩ công tác tại các trạm y tế; tổ chức được trên 70 lớp tập huấn cho gần 2.400 cán bộ, viên chức y tế tuyến huyện, xã...

Bên cạnh đó, ngành còn xây dựng, triển khai thực hiện mô hình “Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chung” để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các tuyến; tăng cường đào tạo kỹ năng mềm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin...

Có thể khẳng định, các y, bác sĩ sau khi đào tạo đã triển khai, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới trong chuyên môn, tự tin làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên sâu mà trước đây phải chuyển lên tuyến trên.

Bích Vân

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất