Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, sản xuất ngày càng phát triển giúp
nâng cao đời sống người dân, phong cách và lề lối làm việc của cán bộ,
công chức chuyển biến rõ rệt, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân, khơi dậy
tiềm năng của cán bộ, nhân viên và người lao động, đưa hoạt động của
doanh nghiệp ngày càng phát triển v.v.. Đó là kết quả đáng phấn khởi đạt
được từ việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Thời gian qua, Quy chế dân chủ ở cơ sở được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh Đồng Tháp quan tâm thực hiện tốt, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, gắn kết việc thực hiện Quy chế dân chủ vào các chương trình, dự án của nhà nước có liên quan trực tiếp đến người dân bằng nhiều hình thức như: niêm yết văn bản tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, văn phòng ấp, khóm, giải đáp thắc mắc trong các buổi đối thoại với người dân v.v..
Đáng chú ý là chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Quy chế dân chủ trên tinh thần “trách nhiệm, đồng thuận, hành động” đã thu hút được sự đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp để xây dựng các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng nông thôn của địa phương. Từ năm 2011 – 2014, toàn tỉnh huy động được gần 74.000 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp trên 1.600 tỷ đồng.
Tuy là một xã vùng sâu của huyện Thanh Bình, điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng đến nay, Bình Tấn đã đạt 13/19 tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó người dân đóng vai trò then chốt để đạt được kết quả trên.
Ông Nguyễn Thiện Thanh – Phó Bí thư Đảng uỷ xã Bình Tấn cho biết, khi tổ chức thực hiện công trình nào, Đảng ủy đều giao cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tổ chức họp dân để công khai các nguồn vốn, lấy ý kiến đóng góp và mức đóng góp.
Địa phương còn tổ chức đoàn vận động, có mạnh thường quân tiêu biểu làm nòng cốt đến từng hộ gia đình để vận động, lắng nghe ý kiến của người dân. Sau khi hoàn thành, các công trình được công khai minh bạch khoản thu chi, số lượng người dân hiến đất, di dời kiến trúc v.v.. Đây được xem là “bí quyết” trong việc phát huy tính dân chủ và tạo sự đồng thuận của người dân ở Bình Tấn.
Tính đến nay, nhân dân trên địa bàn xã đã hiến 80 ha đất để nâng cấp và nạo vét 11 công trình thuỷ lợi với tổng chiều dài gần 50km, sửa chữa và xây mới 15 cây cầu, cùng tham gia nạo vét các đường nước bồi lắng, xây dựng đường cộ, đê bao cống đập, kinh phí đóng góp trên 44 tỷ đồng.
Để minh chứng cụ thể, ông Nguyễn Thiện Thanh đưa chúng tôi tham quan một vòng quanh xã. Nhà cửa khá khang trang, đường sá thông suốt, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ v.v. là những ấn tượng đầu tiên về xã vùng sâu này. Chỉ về phía những vườn cây sum sê trĩu quả, ông Thanh nói, trước đây nơi này chỉ là một vùng sản xuất lúa 02 vụ do chịu ảnh hưởng của những cơn lũ hàng năm.
Nội dung các quy chế được triển khai rộng rãi đến người lao động qua các buổi điểm báo hàng tuần, bản tin nội bộ v.v..Tại các kỳ đối thoại hoặc hội nghị người lao động hàng năm, các quy chế được đóng góp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Nhờ thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở nên nhiều năm qua, công ty không xảy ra tranh chấp lao động hay khiếu kiện, người lao động an tâm với các chính sách và đóng góp nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của công ty – bà Lê Hải Trang, Trưởng phòng Kế hoạch Kinh doanh của công ty cho biết.
Chị Đinh Thị Ngọc Ngân – nhân viên Phòng Công nghệ thông tin là người đã từng tham gia nhiều buổi đối thoại của công ty và mạnh dạn đề xuất việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành. Sau khi được ghi nhận, ý kiến này nhanh chóng được đề xuất với lãnh đạo công ty và triển khai ngay sau đó.
Từ khi đưa vào áp dụng, sáng kiến này đã giúp công ty thuận lợi hơn trong việc quản lý công văn, quản lý công việc, thơ mời, dữ liệu thống kê, lịch làm việc, tạo sự thay đổi tích cực trong các quy trình xử lý thông tin, công việc của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên công ty, góp phần thực hiện cải cách hành chính, tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thực tế đã chứng minh, nơi nào làm tốt công tác vận động quần chúng thì nơi đó chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững và công tác thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cũng là vấn đề quan trọng, góp phần thành công cho công tác dân vận của Đảng.
Nguồn: dongthap.gov.vn/ Như Ý, ngày 19/9/2015