Thứ Ba, 26/11/2024
Lai Châu: Tăng sự minh bạch nhờ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
 
 Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện Tân Uyên tuyên truyền, vận động hội viên
hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.

Cấp ủy, chính quyền vào cuộc

Nâng cao hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở (gọi tắt là Kết luận số 20). Hướng dẫn các địa phương, đơn vị kiện toàn ban chỉ đạo, rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế, quy định thực hiện dân chủ phù hợp với từng loại hình cơ sở.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 13/13 Đảng ủy trực thuộc tổ chức quán triệt, triển khai, xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện Kết luận số 120; tổ chức tập huấn, kiểm tra và hướng dẫn tự kiểm tra việc xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình gắn với việc thực hiện dân chủ trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HDDND các cấp nhiệu kỳ 2016 - 2021 (gọi tắt là cuộc bầu cử). Điển hình là Ban Chỉ đạo QCDC huyện Mường Tè tiến hành kiểm tra 7 cơ quan, đơn vị, địa phương; huyện Tân Uyên kiểm tra 20 cơ quan, đơn vị, địa phương; huyện Tam Đường mở 2 lớp với 75 lượt người tham gia tập huấn Pháp lệnh số 34/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (gọi tắt là Pháp lệnh số 34) tại 2 xã: Thèn Sin và Nà Tăm; huyện Than Uyên mở 3 lớp tập huấn với 150 bí thư, phó bí thư các chi, Đảng bộ cơ sở và báo cáo viên cấp huyện tham gia.

Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp thực hiện QCDC ở cơ sở. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác mặt trận tham gia cuộc bầu cử. Chỉ đạo MTTQ các cấp triển khai thực hiện các nội dung dân chủ theo Pháp lệnh số 34 gắn với các nhiệm vụ tổ chức cuộc bầu cử. Phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch giám sát năm 2016; tổ chức các hội nghị hiệp thương, tiếp xúc cử tri đảm bảo dân chủ và phát huy vai trò của Nhân dân tham gia góp ý kiến với các đại biểu ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tuyên truyền về cuộc bầu cử. Phối hợp với MTTQ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương giám sát việc kinh doanh, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi thuộc Chương trình 30a của Chính phủ. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; phát huy vai trò của hội viên, nông dân trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với MTTQ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế,  bảo hiểm nhân thọ tại một số doanh nghiệp. Hướng dẫn các cấp công đoàn tham gia xây dựng thực hiện QCDC trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Các tổ chức: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với thực hiện QCDC trong hoạt động chuyên môn; nêu cao tinh thần gương mẫu tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí; tham gia các hoạt động giám sát tại cộng đồng, địa phương.

Tăng tính công khai, minh bạch

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, việc thực hiện QCDC ở cơ sở ngày càng khẳng định hiệu quả rõ nét, đặc biệt là tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở xã, phường, thị trấn trong tỉnh triển khai thực hiện QCDC phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Trong đó, công khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự án, công trình đầu tư, chủ trương, chính sách an sinh xã hội, công việc liên quan đến công tác bầu cử đảm bảo dân chủ, đúng luật, phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng chính quyền. Nhiều địa phương đã công khai nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết công việc của Nhân dân; phương thức và kết quả bình xét hộ nghèo được vay vốn hỗ trợ sản xuất, trợ cấp xã hội… thông qua hệ thống truyền thanh, họp bản, tổ dân phố hoặc niêm yết tại trụ sở UBND.

Việc thực hiện QCDC trong xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia xây dựng, huy động sức dân, tổ chức thực hiện và giám sát các công trình nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15/96 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, toàn tỉnh bình quân đạt 11,5 tiêu chí/xã.

Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng các xã, phường, thị trấn tích cực tổ chức giám sát các công trình phục vụ dân sinh, giám sát quy trình giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021.  Đã kịp thời phát hiện, ngăn ngừa hành vi vi phạm, tiêu cực, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp ngay tại cơ sở. Hiện, toàn tỉnh có 108/108 xã, phường, thị trấn thành lập ban thanh tra Nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng với 1.023 thành viên. Riêng phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) đã tiến hành nghiệm thu giám sát việc nạo vét mương thoát nước tại bản Tả Xin Chải 1, 2 với chiều dài 1.275m để bàn giao và đưa vào sử dụng.

Nhờ đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động của MTTQ, các đoàn thể và khối Dân vận xã, phường, thị trấn, đoàn viên, hội viên, Nhân dân tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước thôn, bản, khu dân cư, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Đã có 1.054/1.162 bản, khu dân cư xây dựng quy ước; củng cố 1.135 tổ hòa giải hoạt động có hiệu quả; 1.128/1.162 khu dân cư triển khai nội dung “5 không, 5 việc”; 71.179/87.539 gia đình đăng ký danh hiệu văn hóa…

Các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh điều chỉnh quy chế phối hợp công tác giữa cấp ủy, chính quyền với công đoàn và quy chế tiếp công dân; sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc theo hướng công khai hóa công vụ, nêu cao đạo đức, trách nhiệm công vụ; thực hiện công tác cán bộ gắn với phòng chống tham nhũng, lãng phí. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng được các cơ quan nhà nước thực hiện đúng luật, hạn chế đơn thư vượt cấp. Từ đó không chỉ hướng dẫn, giải thích cho công dân hiểu về chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà cấp ủy, chính quyền các cấp còn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân có biện pháp giải quyết thỏa đáng, kịp thời.

Cùng với đó, 18/21 sở, ngành, 8/8 huyện, thành phố, 108/108 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế “Một cửa”; 102 đơn vị triển khai hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 hoạt động hiệu quả; thực hiện niêm yết, công khai các thủ tục hành chính để người dân thuận tiện trong quá trình liên hệ, giải quyết công việc.

Những kết quả trên khẳng định việc thực hiện QCDC ở cơ sở được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo đúng, trúng, tạo động lực, niềm tin để cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh tích cực thi đua lao động học tập, lao động sản xuất.

Nguồn: baolaichau.vn, ngày 26/7/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất