Thứ Sáu, 17/5/2024
Tuyên Quang: Phát huy Quy chế dân chủ trong doanh nghiệp
 
Công nhân Công ty cổ phần Khoáng sản và Cơ khí làm việc tại Nhà máy Hợp kim sắt Mimeco,
Khu Công nghiệp Long Bình An được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động. 


Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có 168 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có tổ chức Công đoàn, có 128 doanh nghiệp xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ theo Nghị định 60, đạt tỷ lệ 76,2%. Ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Để thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, LĐLĐ tỉnh đã yêu cầu LĐLĐ cấp trên cơ sở kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công đoàn cơ sở làm tốt nhiệm vụ cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Từ đó, công đoàn tham mưu để sử dụng lao động, công khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các chế độ, chính sách tuyển dụng, sử dụng lao động, tiền lương, tiền thưởng, BHXH, BHTN và BHYT cho người lao động, công khai việc trích lập và sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, trích nộp kinh phí công đoàn.

Thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động tại 60 đơn vị; cấp phát 1.164 tờ gấp, tờ tranh các loại về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và 137 ấn phẩm thông tin khác tới người lao động. Các doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc với nhiều hình thức như: Đối thoại khi có một bên yêu cầu; đối thoại gắn với hội nghị người lao động; đối thoại định kỳ theo quy định. Một số doanh nghiệp tổ chức đều đặn việc đối thoại tại doanh nghiệp, tiêu biểu như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương, Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang, Công ty Lâm nghiệp Tân Thành, Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Tuyên Quang…

Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang đều thực hiện công khai phương hướng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phổ biến và thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động. Công đoàn cơ sở công ty đã tham mưu, phối hợp với Ban Giám đốc tổ chức hội nghị người lao động bàn biện pháp thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đánh giá việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, chế độ bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc.

Chị Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, ngoài hội nghị người lao động được tổ chức hàng năm, công ty tổ chức hội nghị đối thoại 3 tháng/lần. Tại hội nghị đối thoại, người lao động, Giám đốc công ty, đại diện công đoàn và người lao động cùng tham gia. Các câu hỏi trong buổi đối thoại chủ yếu liên quan đến vấn đề chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ, tiền lương, tiền thưởng của người lao động. Những thắc mắc của người lao động đều được lãnh đạo công ty phối hợp với công đoàn phân tích, giải quyết kịp thời.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, lúng túng. Việc thực hiện quy định của pháp luật về lao động của một số doanh nghiệp chưa tốt, chưa tạo đủ việc làm và thu nhập cho người lao động; vẫn còn để xảy ra tình trạng không có việc làm thường xuyên. Tình trạng nợ và chậm đóng bảo hiểm với số tiền lớn vẫn tồn tại ở một số doanh nghiệp.

Để phát huy quy chế dân chủ tại các doanh nghiệp, LĐLĐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ doanh nghiệp và người lao động. LĐLĐ tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; chú trọng làm tốt việc tổng kết, đánh giá nhằm phát huy những cách làm hay, sáng tạo. 

Nguồn: baotuyenquang.com.vn, ngày 24/10/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất