Thứ Hai, 30/12/2024
Quyền được tiếp cận thông tin của công dân

Những thông tin nào được tiếp cận ?

Luật Tiếp cận thông tin quy định, công dân được tiếp cận thông tin bằng 2 cách thức: Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Trong đó, thông tin phải được công khai gồm: Thông tin mà pháp luật quy định phải công khai; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước...

Về phạm vi thông tin được tiếp cận, luật quy định công dân được tiếp cận tất cả thông tin của cơ quan nhà nước theo quy định của luật (trừ thông tin công dân không được tiếp cận và thông tin tiếp cận có điều kiện). Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ.

Bên cạnh quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân, luật quy định rất rõ các hành vi bị cấm như: Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ; trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin.

Các hành vi cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực; cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới; cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu hay người cung cấp thông tin... đều bị nghiêm cấm.

Mặt khác, luật cũng quy định các loại thông tin công dân không được tiếp cận gồm: Thông tin thuộc bí mật Nhà nước (những thông tin có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực: Chính trị, quốc phòng - an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật); thông tin nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng - an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ…

Cách thức cung cấp thông tin

Luật Tiếp cận thông tin quy định, tùy trường hợp cụ thể mà trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin của công dân và cách thức cơ quan nhà nước cung cấp thông tin cũng sẽ có sự thay đổi.

Theo đó, trường hợp cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin: Đối với thông tin đơn giản, có sẵn có thể cung cấp ngay. Với thông tin phức tạp, cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc phải có ý kiến của cơ quan khác thì chậm nhất là 10 ngày làm việc. Trường hợp cần gia hạn tìm kiếm thì tối đa không quá 10 ngày làm việc. Người yêu cầu cung cấp thông tin được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu…

Đối với trường hợp cung cấp thông tin qua mạng điện tử: Đối với thông tin đơn giản, có sẵn thì chậm nhất là 3 ngày làm việc; với thông tin phức tạp, cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc phải có ý kiến của cơ quan khác thì chậm nhất là 15 ngày làm việc. Trường hợp cần gia hạn thì tối đa không quá 15 ngày làm việc. Việc cung cấp thông tin qua mạng điện tử được thực hiện bằng các cách thức như: gửi tập tin đính kèm thư điện tử; cung cấp mã truy cập một lần (chỉ dẫn địa chỉ truy cập để tải thông tin).

Còn trong trường hợp cung cấp thông tin thông qua dịch vụ bưu chính, fax: Đối với thông tin đơn giản, có sẵn thì chậm nhất là 5 ngày làm việc. Các thông tin phức tạp, cần tập hợp hoặc phải có ý kiến thì chậm nhất là 15 ngày làm việc. Trường hợp cần gia hạn thì tối đa không quá 15 ngày làm việc…

Trách nhiệm của đơn vị đầu mối cung cấp thông tin

Nghị định 13 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tiếp cận thông tin nêu, cơ quan chức năng phải bố trí người làm đầu mối cung cấp thông tin để thực hiện cung cấp thông tin theo quy định. Tiếp nhận, xử lý các yêu cầu cung cấp thông tin của công dân; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý yêu cầu cung cấp thông tin và thực hiện cung cấp thông tin cho công dân theo yêu cầu.

Giải thích, hướng dẫn, thông báo cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo đúng trình tự, thủ tục; hướng dẫn, hỗ trợ người yêu cầu xác định rõ hồ sơ, tài liệu, tên văn bản có chứa thông tin cần tìm kiếm để điền đầy đủ, chính xác vào phiếu yêu cầu cung cấp thông tin. Quan tâm tiếp nhận, trả lời hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan trả lời phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân về việc cung cấp thông tin của cơ quan mình theo quy định của pháp luật có liên quan; kiến nghị, đề xuất với người đứng đầu cơ quan về các vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin cho công dân.

Phải bố trí cán bộ, công chức hướng dẫn, giải thích và giúp đỡ người không biết chữ, người khuyết tật, người gặp khó khăn khác trong việc điền phiếu, ký phiếu yêu cầu cung cấp thông tin; trường hợp người yêu cầu không thể viết phiếu yêu cầu thì giúp điền phiếu yêu cầu cung cấp thông tin.

Trung Kiên (tổng hợp)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi