Thực hiện phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đơn vị trên địa bàn huyện Hải Hậu luôn quan tâm, chú trọng việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, qua đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Để việc thực hiện QCDC ở cơ sở phát huy hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở thường xuyên chú trọng lãnh đạo, quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về thực hiện QCDC đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong đó có Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”, Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”... Đồng thời quán triệt và triển khai sâu rộng các văn bản của Trung ương, của tỉnh gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bên cạnh đó, hằng năm, Ban chỉ đạo QCDC ở cơ sở được kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động; chủ động bổ sung nội dung quy chế làm việc, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để thực hiện. Việc triển khai thực hiện QCDC ở từng loại hình cơ sở, nhất là ở xã, thị trấn có chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội… Do vậy, tất cả các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đều thực hiện một cách công khai, minh bạch theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng lợi” được triển khai cụ thể, mang lại hiệu quả cao. Trong đó việc huy động đóng góp của nhân dân xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang các công trình phúc lợi theo tiêu chí xây dựng NTM bền vững và phát triển do huyện phát động, bình xét hộ nghèo, sửa đổi hương ước xóm, tổ dân phố… đều được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân bằng những hình thức trực tiếp tại cuộc họp xóm hoặc thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Việc dân chủ trong bàn bạc lấy ý kiến của nhân dân đã tạo được sự đồng thuận cao và cũng tranh thủ được sự đóng góp của nhân dân vào công việc chung của cộng đồng làng xã. Cũng từ đó mà việc thực hiện các phong trào thi đua ở cơ sở hay việc triển khai các dự án phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đều được thực hiện hiệu quả như: việc thực hiện các công trình dự án có liên quan đến giải phóng mặt bằng cầu Thịnh Long, khu tái định cư phục vụ thi công Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, đường Nam Đông, đường Vân Nam, khu đô thị thương mại Cồn - Văn Lý. Hay việc thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM bền vững và phát triển” giai đoạn 2016-2020 do UBND huyện phát động để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Đến nay, toàn huyện có 168/546 xóm, tổ dân phố được UBND huyện công nhận xóm, tổ dân phố đạt NTM bền vững và phát triển; 308 xóm hoàn thành các tiêu chí NTM bền vững và phát triển, đang được UBND huyện thẩm định công nhận trong năm 2018.
Đối với các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã gắn với thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TTg ngày 5-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính Nhà nước các cấp”, Ban thường vụ huyện ủy đã tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tới cán bộ, công nhân, viên chức trong huyện tập trung vào đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý điều hành của chính quyền các cấp, đảm bảo phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở, tác phong làm việc, quy tắc ứng xử của cán bộ với phong cách “trọng dân, gần dân và có trách nhiệm với dân”. Từ đó đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc được giao, tạo ra thiện cảm của nhân dân với các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức. Điển hình là việc công khai và nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính đối với nhân dân được thực hiện nghiêm túc, các khoản lệ phí, thời gian thực hiện được niêm yết công khai tại Trung tâm hành chính công cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các xã, thị trấn. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến các cơ sở đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 35 ban thanh tra nhân dân, các hoạt động giám sát chủ yếu tập trung vào hoạt động của chính quyền các cấp, hoạt động của đại biểu dân cử, giám sát làm đường giao thông tại các thôn, xóm, các khoản thu, chi đóng góp của nhân dân; thành lập 548 tổ hòa giải cơ sở, trong đó có nhiều tổ hòa giải hoạt động có hiệu quả, xử lý kịp thời những nảy sinh bức xúc ngay tại khu dân cư, góp phần làm giảm tình trạng đơn, thư khiếu kiện vượt cấp.
Việc tập trung thực hiện QCDC ở cơ sở trong những năm qua của huyện Hải Hậu đã tác động tích cực đến mọi hoạt động trong đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 7,21%; thu nhập bình quân đầu người là 39,02 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,56%; tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt 87% dân số. Huyện giữ vững 39 năm điển hình văn hoá cấp huyện của cả nước, thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Huyện ủy Hải Hậu tiếp tục quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về dân chủ, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự đồng đều trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở, gắn việc thực hiện QCDC với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương; xây dựng NTM bền vững và phát triển; quan tâm chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân./.
Trần Văn Trọng