Thứ Bảy, 28/12/2024
Thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn ở Đắk Nông: Động lực cho quá trình phát triển
Con đường ở thôn Nam Thanh, xã Nam Xuân (Krông Nô) được làm từ việc đóng góp sức người, sức của của nhân dân. Ảnh: Hoàng Hoài

Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh nói chung và các huyện, thị xã nói riêng, đã xây dựng và thực hiện nghiêm các quy chế, quy định, quy trình dân chủ, công khai, bảo đảm thực hiện tốt QCDCCS. 100% huyện, thị xã đều phân công đồng chí chủ tịch UBND cùng cấp phụ trách công tác dân vận, đặc biệt, thực hiện dân chủ gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế "một cửa", “một cửa liên thông”.

Kết quả triển khai thực hiện QCDC của tỉnh năm 2017 đã cho thấy, việc tổ chức cho người dân tham gia, bàn bạc, biểu quyết trước khi cấp có thẩm quyền quyết định đã từng bước đi vào nền nếp. Người dân đã phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia ý kiến vào nhiều nội dung. Chính quyền phối hợp tốt với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức lấy ý kiến của nhân dân bằng nhiều hình thức như thông qua các kỳ họp của HĐND, các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, công khai bản đồ quy hoạch ở khu dân cư... UBND các xã, phường, thị trấn, xã đã thực hiện khá đầy đủ 11 nội dung tại Điều 5 của Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn để công khai cho nhân dân biết bằng nhiều hình thức.

Chính quyền đã kịp thời thông báo đến nhân dân các văn bản, niêm yết công khai các thủ tục hành chính, nội quy, quy chế của cơ quan để nhân dân biết, tiện cho việc giao dịch dân sự, giám sát các khoản đóng góp, nghiệm thu, quyết toán công trình do nhân dân đóng góp xây dựng; các chương trình, dự án do ngân sách nhà nước trực tiếp đầu tư; kết quả hoạt động của đại biểu HĐND, cán bộ công chức...

Trong năm 2017, bộ phận tiếp công dân tại các xã đã chủ động và nghiêm túc thực hiện lịch tiếp công dân định kỳ theo lịch, đồng thời, công khai kết quả sau khi tiếp công dân. Năm 2017, các xã đã tiếp 185 lượt công dân với 194 người, có 175 vụ việc; tiếp nhận 318 đơn khiếu nại, tố cáo.

Toàn tỉnh đã thành lập 71 ban thanh tra nhân dân cấp xã, trong đó có 56 ban thanh tra nhân dân đảm nhiệm vai trò giám sát đầu tư cộng đồng. Năm 2017, ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng cấp xã đã tổ chức được 243 cuộc giám sát; kiến nghị xử lý 35 vụ việc; chuyển các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết 16 vụ việc...

Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém trong triển khai thực hiện như: Việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước, hương ước không ít nơi còn hình thức, chất lượng chưa cao, chưa thành nền nếp. Một số xã chưa làm tốt việc công khai, dân chủ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá cả đền bù khi chuyển mục đích sử dụng đất, chính sách tái định cư và các chế độ. Nội bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thực sự đoàn kết; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa được ngăn chặn kịp thời...

Năm 2018 là “Năm dân vận chính quyền”, chính vì vậy,  Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao kết quả thực hiện QCDCCS. Trong đó, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH 11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đến mọi người dân thông qua nhiều hình thức. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, triệt để Nghị quyết TW 4 Khóa XII về xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, các cấp cần đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền đến mọi người dân về nội dung các văn bản liên quan thiết thực đến QCDC.

Các bên liên quan tăng cường công tác phối hợp; tiếp tục đẩy mạnh công tác  bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường và đổi mới công tác kiểm tra theo hướng tăng số lượng cuộc kiểm tra, số đơn vị được kiểm tra. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ và các đoàn thể phát huy vai trò nhiệm vụ của mình khi thực hiện nhiệm vụ liên quan đến QCDC.

Mặt trận, các đoàn thể nhân dân không ngừng phát huy vai trò trong quy chế giám sát và phản biện xã hội, đồng thời phối hợp với Phòng tư pháp huyện để xây dựng, sửa đổi và bổ sung các hương ước của các thôn, bon để mọi người thực hiện; tăng cường công tác đối thoại với người dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, nhằm giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc của nhân dân, bảo đảm ổn định ngay từ cơ sở.

Bên cạnh việc theo dõi và kiểm tra các đồng chí cấp ủy viên và các đồng chí ủy viên ban chấp hành các đoàn thể tham gia sinh hoạt với chi bộ và các đoàn thể ở thôn, bon, bản, để tuyên truyền và nắm bắt diễn biến tư tưởng của nhân dân; kịp thời phản ánh với các cấp có thẩm quyền giải quyết nhanh, gọn, tránh để gây mất ổn định hoặc tạo điểm “nóng”, các cấp, ngành tích cực nêu gương và nhân rộng các mô hình hay, các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực thi nhiệm vụ, nhất là các mô hình trong xây dựng nông thôn mới, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

 

Việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã thực sự trở thành động lực cho quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thông qua các hoạt động, chính quyền đã cùng với nhân dân kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tập trung chuyển đổi ngành nghề, áp dụng khoa học - kỹ thuật, tập trung xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Tính đến tháng 10/2017, nhân dân đã đóng góp tiền mặt, ngày công và hiện vật quy đổi thành tiền là hơn 11,8 tỷ đồng. Trong năm 2017, toàn tỉnh đã làm được 8,4 km đường xã; 20,1 km đường trục thôn, bon; 11 km đường ngõ xóm và 0,4 km đường trục chính nội đồng…


Các cấp tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục, đào tạo kiến thức phổ thông, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm trang bị kiến thức và năng lực làm chủ cho nhân dân, đặc biệt là nông dân; đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường…

Các cấp, ngành liên quan rà soát, đánh giá lại hiệu quả các dự án như: 3EM; WB và một số dự án khác, từ đó lựa chọn đối tượng cũng như phương thức đầu tư cho phù hợp với điều kiện, tập quán và văn hóa canh tác của các đối tượng được đầu tư sao cho có hiệu quả thiết thực, tránh trường hợp bỏ sót đối tượng được hưởng lợi hoặc một đối tượng được hưởng lợi từ nhiều dự án.

Nguồn: baodaknong.org.vn, ngày 09/2/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi