Thực hiện phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, trong những năm qua việc xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp ở Thuận Thành (Bắc Ninh) quan tâm chỉ đạo, triển khai sâu rộng, từng bước đi vào cuộc sống.
Từ đó, các tầng lớp nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình, xây dựng và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Nghị quyết TW 4 khóa XI, Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị.
Sau cuộc bầu cử Đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Thuận Thành đã ban hành Quyết định số 556-QĐ/HU về việc kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gồm 21 đồng chí do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy làm Trưởng ban; Ban Dân vận Huyện ủy, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo đã tham mưu về việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, xây dựng chương trình công tác và triển khai đến MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện. Trong năm 2017, Ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh số 34/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11 về thực hiện dân chủ ở 18/18 xã, thị trấn; phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức tập huấn cho 126 đồng chí là Trưởng khối dân vận cơ sở, các tổ trưởng dân vận khéo về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở từng loại hình cơ sở nhất là ở xã, thị trấn có chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội,… Do vậy, tất cả các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đều thực hiện một cách công khai, minh bạch theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Những vấn đề nhân dân bàn và quyết định trực tiếp như: Huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi; xây dựng hương ước, quy ước làng văn hóa; quỹ khuyến học, quỹ vệ sinh môi trường, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ ngày vì người nghèo và các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư; thành lập Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng các công trình xây dựng do địa phương quản lý; giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường thôn, tổ dân phố, bình xét gia đình văn hóa, hộ nghèo theo Điều 5, Điều 10, Điều 13 của Pháp lệnh dân chủ,… được cấp ủy, chính quyền UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao như Dự án mở rộng khu xử lý rác thải rắn tập trung tại thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái; dự án đường dẫn Cầu Đại Đồng Thành-Nguyệt Đức, Dự án khu Công nghiệp Thuận Thành II; triển khai thực hiện Chỉ thị số 12A của Ban Thường vụ Huyện ủy, Kế hoạch số 24,25 của UBND huyện về việc tuyên truyền, giải tỏa, xử lý các vi phạm lấn chiến lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện, đến nay hơn 95% các hộ dân vi phạm đã tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm đồng thời cam kết không tái vi phạm.
Đặc biệt trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới nên các địa phương đã huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân. Theo Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện, đến nay có 10/17 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã của huyện đạt 17,4 tiêu chí, huy động được hơn 96,433 tỷ đồng nguồn vốn xã hội hóa từ cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đóng góp. Với sự vào cuộc trong công tác tuyên truyền sâu rộng của các cấp ủy, chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội đã vận động nhân dân tự nguyện hiến 3.702m2 đất và các vật liệu kiến trúc để mở rộng đường làng, ngõ xóm và gần 17.000 ngày công lao động của nhân dân để thi công các công trình hạ tầng nông thôn như đường trục thôn, liên thôn, giao thông nội đồng, cứng hoá kênh mương… tạo cảnh quan, môi trường thông thoáng và phục vụ việc đi lại, sản xuất. Tiêu biểu trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn như các xã Ninh Xá, Xuân Lâm, An Bình, Ngũ Thái và nghĩa Đạo.
Đối với các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã gắn với thực hiện Luật Công chức, Viên chức. Lãnh đạo cấp ủy, người đứng đầu coi trọng việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò của các đoàn thể, nâng cao nhận thức của tập thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần làm chuyển biến phương thức lãnh đạo, công tác điều hành, quản lý và lề lối làm việc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức. Từ đó mang lại bầu không khí dân chủ, cởi mở và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, tạo động lực mới góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu kinh tế, xã hội của huyện. Điển hình là việc công khai và nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính đối với nhân dân được thực hiện nghiêm túc, các khoản lệ phí, thời gian thực hiện được niêm yết công khai tại Trung tâm hành chính công cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các xã, thị trấn. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến các cơ sở đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, đến nay toàn huyện có 18 ban thanh tra nhân dân, các hoạt động giám sát chủ yếu tập trung vào hoạt động của chính quyền các cấp, hoạt động của đại biểu dân cử, giám sát làm đường bê tông tại các thôn, xóm, tổ nhân dân và các khoản thu, chi đóng góp của nhân dân; 152 tổ hòa giải cơ sở, trong đó có nhiều tổ hòa giải hoạt động có hiệu quả, xử lý kịp thời những nảy sinh bức xúc ngay tại khu dân cư, góp phần làm giảm tình trạng đơn, thư khiếu kiện vượt cấp. Ngoài ra còn có 242 Tổ an ninh nhân dân, 54 CLB thể dục thể thao, 5 Ban liên lạc nghĩa tình đồng đội, 112 CLB Cựu quân nhân,… và nhiều tổ chức khác thu hút hàng chục nghìn người tham gia, tạo thành phong trào thi đua sâu rộng ở các khu dân cư.
Trong các doanh nghiệp cũng ghi nhận những bước chuyển biến tích cực việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ, đặc biệt là ở các doanh nghiệp có tổ chức Đảng và tổ chức công đoàn, góp phần duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống cho người lao động,… như Công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi Nam Đuống đã chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 65-KL/TW của Ban Bí thư,… Ban giám đốc Công ty chấp hành nghiêm việc công khai trước doanh nghiệp về chế độ, chính sách liên quan đến người lao động; quy chế, nội quy doanh nghiệp; báo cáo tài chính hàng năm; công tác đề bạt, bổ nhiệm, điều động, nâng bậc lương cho cán bộ, công nhân, từ đó cán bộ, công nhân được tham gia đóng góp, kiểm tra, giám sát, tạo không khí cởi mở, dân chủ, đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất,…
Theo Ban Dân vận - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở: Nhìn chung, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có sự chuyển biến trong nhận thức và tổ chức thực hiện. Đến nay, 3 loại hình quy chế dân chủ đã được triển khai thực hiện sâu rộng ở tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, 18/18 xã, thị trấn. Chất lượng và hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ được nâng lên. Tác phong, lề lối làm việc gần dân, sát dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời hơn những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của dân. Đồng thời, Hội đồng nhân dân, MTTQ và đoàn thể các cấp tăng cường các hoạt động giám sát theo quy định của Nhà nước, nhất là hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra.
Nguồn: baobacninh.com.vn, ngày 01/2/2018