Thứ Sáu, 26/4/2024
Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Nghệ An triển khai nhiệm vụ năm 2018
 
Quang cảnh hội nghị 


Đồng chí Lê Xuân Đại,  Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo; Thái Thanh Quý, Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Năm 2017, việc triển khai nhiệm vụ xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh nghiêm túc kịp thời, nhất là việc tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong năm, 100% cơ quan cấp tỉnh đều thành lập Ban thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban Thanh tra nhân dân; 100% cơ quan, đơn vị bổ sung, xây dựng quy chế công khai tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ, quy định quản lý và sử dụng tài sản công, quy chế tuyển dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cán bộ để thực hiện...

Các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở theo Pháp lệnh 34/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với việc phát động các phong trào thi đua yêu nước, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, phong trào thi đua “Dân vận khéo” và chương trình MTQG xây dựng NTM. Toàn tỉnh có 480/480 xã, phường, thị trấn có Ban thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Có 16.813 doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, hoàn thành nghĩa vụ thuế, BHXH, góp phần quan trọng vào an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ở một số nơi không đồng đều, chất lượng còn hạn chế. Một số nội dung được quy định trong pháp lệnh và nghị định về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa được triển khai nghiêm túc. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nhiều cơ quan còn hình thức...

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng để nâng cao việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cần thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát gắn với hướng dẫn thực hiện các giải pháp cụ thể; nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường việc chỉ đạo, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện các nội dung đối thoại trong doanh nghiệp; xây dựng tiêu chí đánh giá, xếp loại hoạt động Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở của các cơ quan, địa phương;...

Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, năm 2018 cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở gắn với việc triển khai học tập, quán triệt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị; gắn thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng – an ninh, đẩy mạnh xây dựng NTM, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018; tăng cường công tác truyền thông để nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về phát huy vai trò làm chủ trong cơ quan, đơn vị doanh nghiệp và ở địa phương.

Cũng trong sáng nay, các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo biểu quyết đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 12 tập thể đạt thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2017.

Nguồn: nghean.gov.vn, ngày 23/1/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất