Ghi nhận tại xã Ðạ Tông - một xã vùng sâu thuộc huyện nghèo Ðam Rông, tỉnh Lâm Đồng sau 10 năm thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở (QCDCCS), quyền làm chủ của nhân dân được phát huy mạnh mẽ, tạo nên sức sống mới trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Những con đường nông thôn mới ở Đạ Tông được hình thành nhờ sự đồng thuận và đóng góp từ sức dân.
Ảnh: N.N |
Cụ thể hóa việc thực hiện QCDCCS
Đồng chí Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông cho biết: Sau khi có các văn bản về việc triển khai thực hiện QCDCCS, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong thực hiện QCDCCS cơ sở. Đảng ủy xã thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác thực hiện pháp lệnh dân chủ, xem đây là nội dung xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội của địa phương. Đồng thời, đơn vị thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện. Gần đây nhất, đầu năm 2012, Đảng ủy xã Đạ Tông đã ban hành quy chế thực hiện QCDCCS bổ sung cho quy chế năm 2009. Theo đó, BCĐ thực hiện QCDCCS được kiện toàn gồm 19 thành viên. Trong đó, lãnh đạo xã đảm nhận các vị trí chủ chốt trong BCĐ.
BCĐ ra thông báo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách địa bàn thôn cũng như xây dựng kế hoạch và chương trình công tác hàng năm. BCĐ đã yêu cầu các đoàn thể tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là công tác triển khai xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn xã. QCDC được thể hiện rõ trong việc tổ chức họp dân để lấy ý kiến đóng góp của người dân cũng như công khai minh bạch các hạng mục xây dựng cơ bản, các chương trình, dự án về hỗ trợ sản xuất trên địa bàn xã…
Đảng ủy xã đã chỉ đạo cụ thể hóa việc vận dụng pháp lệnh về QCDC đối với các đơn vị nhất định. Đơn cử như, đối với HĐND phát huy vai trò dân chủ đại diện của HĐND và các đại biểu HĐND. Tiếp thu, lắng nghe ý kiến, những nguyện vọng chính đáng của cử tri và có sự phản ảnh lên cấp trên. Phát huy dân chủ trong các kỳ họp HĐND cũng như trong công tác giám sát đối với các nhiệm vụ của UBND, các ngành, các cấp. Đối với UBND đã vận dụng cụ thể hóa QCDC thông qua các nội quy, quy chế thực hiện dân chủ trong cơ quan; trong cải cách thủ tục hành chính thông qua việc thực hiện cơ chế một cửa tại UBND xã; trong thực hiện Chương trình 135, 30a; trong công tác dân vận của chính quyền…. Đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, BCĐ phân công mỗi đoàn thể phụ trách một thôn để nắm bắt tình hình, vận động nhân dân và thực hiện chức năng giám sát…
Việc triển khai thực hiện QCDCCS đã được tiến hành đồng thời với cải cách hành chính nhằm tạo tiền đề, cơ sở pháp lý cho các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhiệm vụ.
Tạo nên những chuyển biến
Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Huy khẳng định: “Sau 10 năm thực hiện QCDCCS trên địa bàn xã Đạ Tông đã góp phần đổi mới phương thức và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân. Đồng thời, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức theo hướng sát dân, trọng dân. Và quan trọng hơn, QCDCCS đã phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát”.
Ông Rơ Jê Ha Ni - thôn Đa Kao 1 cho biết: “Các Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND, các nhiệm vụ phát triển kinh tế, Chương trình 135, Dự án 30a, việc thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới… đều được thông tin đến người dân. Bên cạnh đó, các nội dung như bình xét hộ nghèo, các đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế, việc phân bổ các mô hình hỗ trợ cây, con giống của nhà nước, mức đóng góp xây dựng nông thôn mới… cũng được công khai và lấy ý kiến của bà con”.
Xã Đạ Tông thông tin các nội dung trên đến với người dân bằng nhiều hình thức như loa truyền thanh, niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã. Đặc biệt, xã chú trọng nhiều đến việc thông tin trực tiếp trong các đợt tiếp xúc cử tri hay thông qua các chi bộ thôn tại các buổi họp dân. Nhờ vậy, người dân sớm nắm bắt tinh thần và có sự đồng thuận cao. Điển hình như trong phong trào xây dựng NTM, người dân đã thực sự biết, bàn, tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát. Nhờ vậy nhân dân hiểu rõ chủ trương và đồng lòng hiến gần 9.000 m2 đất xây dựng các công trình hạ tầng, trên 6.000 ngày công tu sửa hệ thống giao thông nội đồng, xây dựng trên 25 km đường bê tông, kiên cố hóa gần 17 km, cấp phối 21 km… Hiện Đạ Tông đã đạt 15 tiêu chí NTM.
Tuy nhiên, do đặc thù dân cư sống không tập trung, 98% dân số là người DTTS, trình độ dân trí không đồng đều… nên vẫn còn hiện tượng một số ít bà con trong vùng đồng bào DTTS thực hiện dân chủ nhưng không theo khuôn khổ pháp luật. Bên cạnh đó, lãnh đạo xã Đạ Tông cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại trong thực hiện QCDCCS. Trong đó nhấn mạnh tới yếu tố biện pháp thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa đúng mức từ phía các cơ quan công quyền. Điều này dẫn tới việc chưa nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Thực hiện QCDCCS là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa QCDCCS đòi hỏi sự đổi mới phong cách của cán bộ, công chức theo chủ trương: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân” và “Nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguồn: baolamdong.vn, ngày 08/1/2018