Thứ Sáu, 26/4/2024
Nhiều việc làm cụ thể trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại Ninh Bình
Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức đối thoại tại huyện Gia Viễn. Ảnh: Trường Giang

Thực hiện Pháp lệnh số 34 của ủy ban Thường vụ Quốc hội, cấp ủy cấp xã trong tỉnh đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân. Có 145/145 xã, phường, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác năm; thường xuyên kiện toàn, bổ sung Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở ở các xã, phường, thị trấn.

UBND cấp xã chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội. Công tác cải cách hành chính cấp xã tiếp tục được quan tâm; các quy định, các văn bản thủ tục hành chính được niêm yết công khai ở nơi làm việc, nơi tiếp công dân, trên các phương tiện thông tin đại chúng; chất lượng phục vụ của chính quyền cơ sở được nâng lên. Mô hình “Một cửa” được triển khai ở 145/145 xã, phường, thị trấn, đảm bảo các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi.

Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã đã hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân cấp xã hoạt động theo Nghị định số 159/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; hướng dẫn Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án trên địa bàn xã, phường, thị trấn. ở nhiều xã, phường, thị trấn, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, trọng tâm là giám sát cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân.

Các xã, phường, thị trấn cơ bản đã thực hiện tốt việc công khai đối với các dự án, công trình đầu tư; các chủ trương, chính sách an sinh xã hội; các quy định, trình tự giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhân dân. Thường xuyên chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố. Các nội dung, quy định về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở được Chủ tịch UBND cấp xã, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thực hiện nghiêm túc, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở.

Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ quan, đơn vị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo BCH Công đoàn phối hợp với Thủ trưởng cơ quan xây dựng Quy chế thực hiện dân chủ, các quy chế, quy định trong hoạt động của cơ quan; phối hợp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nội quy, quy chế trong cơ quan, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Trong năm 2017, có 833/833 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP; các cơ quan, đơn vị trường học tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức vào đầu năm học 2017 – 2018. Việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cơ bản đảm bảo về nội dung, chất lượng theo quy định. Thông qua hội nghị, cán bộ, công chức, viên chức có cơ hội tham gia đóng góp ý kiến vào chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ công tác năm; tham gia sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định trong cơ quan, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong xây dựng cơ quan. Các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc công khai các chế độ, chính sách như: kế hoạch tuyển dụng cán bộ, nâng bậc, nâng ngạch lương; đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, đánh giá phân loại cán bộ, khen thưởng, kỷ luật; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức…

Việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc cũng đạt được những kết quả rõ nét. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.284 doanh nghiệp hoạt động. Trong năm, có 161/223 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động (đạt 72%, tăng 12,3% so với năm 2016); 139/223 doanh nghiệp (đạt 62%) đã sửa đổi, bổ sung, ký kết mới Thỏa ước lao động tập thể phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. ở một số doanh nghiệp, Ban giám đốc và Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức đối thoại trực tiếp, trả lời chất vấn và giải đáp kiến nghị của người lao động… Việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc đã giúp doanh nghiệp, người lao động chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và các vấn đề an sinh xã hội, giảm nghèo, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định sản xuất, kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng, kinh tế - xã hội trên địa bàn nói chung.

Nguồn: baoninhbinh.org.vn, ngày 16/1/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất