Thứ Năm, 25/4/2024
Quảng Ninh: Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với nhiệm vụ chính trị
 

UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố kết quả điều tra sự hài lòng của người dân đối với 
sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS) tỉnh Quảng Ninh năm 2017. 


Thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở, trong năm 2017, cấp ủy các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện QCDC gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời, gắn với Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 3/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, bao gồm việc đẩy mạnh thực hiện QCDC trong giám sát việc thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước và tại các trung tâm hành chính công các cấp; vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; của cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ nhân dân; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Chính quyền các địa phương đã tăng cường chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của hệ thống pháp luật; tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Lần đầu tiên, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3093/QĐ-UBND ngày 10/8/2017 về Quy định lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công các cấp và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. Đồng thời, tổ chức hội nghị tham vấn và tập huấn kiến thức về nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh Quảng Ninh với hơn 650 đại biểu; tổ chức các hội thi cải cách hành chính ở các cấp. Đặc biệt, năm 2017 cũng là năm lần đầu tiên tỉnh thực hiện điều tra sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS). Cụ thể là trong hai tháng 10, 11/2017, Sở Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành điều tra Chỉ số SIPAS trên địa bàn tỉnh tại 7 địa phương, gồm: Hạ Long, Móng Cái, Đông Triều, Hoành Bồ, Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà và 37 xã thuộc 7 địa phương trên.

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cũng tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, thực hiện QCDC gắn với các phong trào thi đua yêu nước, chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần làm chủ, tích cực tự giác, chủ động phát huy quyền làm chủ của mình nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Cùng với đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia góp ý, phản biện vào các dự thảo nghị quyết, kế hoạch của cấp ủy, HĐND, UBND các cấp...; nghiên cứu đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho đoàn viên, hội viên và nhân dân...

Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, sự giám sát thường xuyên của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong các loại hình đều được nâng cao. Cấp ủy, chính quyền ở cơ sở đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Đặc biệt là phát huy vai trò của nhân dân trong hoạt động của chính quyền và giám sát của người dân; nhân rộng việc xây dựng hương ước, quy ước; xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng, dân cư; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong bàn, quyết định về huy động mức đóng góp xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, đường giao thông nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới... Từ đó, tạo được sự đồng thuận, nhân dân tích cực tham gia đóng góp kinh phí, hiến đất, kiến trúc, hoa màu để xây dựng kết cấu hạ tầng. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 52/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Uông Bí trong thực hiện QCDC, đồng chí Phạm Cao Hải, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, cho biết: “Để thực hiện QCDC ở cơ sở, các cấp chính quyền ở Uông Bí đã đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch các quy định, quy trình, cơ chế, chính sách; chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân… Nhờ đó, tình trạng khiếu nại, tố cáo đã giảm. Một số vụ việc tồn đọng kéo dài trên địa bàn được giải quyết dứt điểm, các vụ việc phức tạp đông người đã được hạn chế. Người dân nhất trí, ủng hộ với các chủ trương, định hướng phát triển của thành phố”.

Các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định; công khai các thủ tục hành chính, số điện thoại đường dây nóng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của CBCCVC; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ. Đặc biệt là tổ chức hội nghị CBCCVC thực hiện đúng định kỳ, đến ngày 31/10/2017 đã có 416/417 cơ quan, đơn vị đã tổ chức hội nghị CBCCVC, riêng khối trường học công lập đã có 602/602 trường tổ chức hội nghị CBCCVC. Việc thực hiện QCDC trong doanh nghiệp cũng được các đơn vị thực hiện nghiêm túc. Đến nay, 86,8% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã xây dựng QCDC cơ sở; 72,8% doanh nghiệp xây dựng quy chế tổ chức hội nghị NLĐ, quy chế tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Các cấp công đoàn đã phối hợp tổ chức 301 cuộc đối thoại ngay tại phòng, ban, phân xưởng, tổ đội sản xuất…

Thực tế cho thấy, thực hiện tốt QCDC ở cơ sở góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, người dân được tham gia vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, qua đó thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.

Nguồn: baoquangninh.com.vn, ngày 15/1/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất