Thứ Sáu, 26/4/2024
Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở - nhìn từ thực tiễn tỉnh Hòa Bình
 
 Nhờ thực hiện tốt QCDC trong xây dựng nông thôn mới, nhân dân xóm Mè, xã Tu Lý (Đà Bắc)
tích cực đóng góp ngày công lao động, mở rộng đường giao thông nông thôn.


Yên Thủy - QCDC tạo đà trong dồn điền, đổi thửa

"Năm 2013, huyện Yên Thủy đã chỉ đạo thực hiện thí điểm dồn điền, đổi thửa (DĐ, ĐT) ở 3 xóm là Hổ 2, Trường Long, xã Ngọc Lương và xóm Ao Hay, xã Yên Trị. Sau khi thí điểm thành công đã nhanh chóng được nhân rộng ra toàn huyện. Việc DĐ, ĐT thực hiện dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và tham gia ý kiến của nhân dân. Nhờ thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã tạo nền tảng vững chắc cho việc DĐ, ĐT đạt hiệu quả cao”, đồng chí Quách Hương Lam, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Yên Thủy cho biết.

Trước đây, mỗi hộ có từ 3.000 - 5.000 m2 đất sản xuất nhưng chia thành 8 - 12 thửa, có hộ lên đến 30 thửa. Thửa đất phân tán, manh mún gây khó khăn trong đầu tư thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chăm sóc và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, gây lãng phí ngày công lao động. Cùng với đó là các tuyến đường ra đồng nhỏ hẹp, không có mương dẫn nước… Vì vậy, thực tế đòi hỏi phải quy hoạch, tổ chức lại quỹ đất, đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất.

Sau gần một năm tích cực DĐ, ĐT tại 3 xóm, huyện Yên Thủy đã vận động được 179 hộ dân tham gia thực hiện, tổng diện tích dồn đổi là 90,59 ha (xóm Trường Long 20,24 ha, xóm Hổ 2 33,59 ha và xóm Ao Hay 36,76 ha). Những năm trước, bình quân mỗi hộ có 9,21 thửa, có hộ đến 30 thửa, diện tích bình quân mỗi thửa 550 m2. Sau khi dồn đổi còn 508 thửa, bình quân mỗi hộ còn 2,84 thửa, bình quân mỗi thửa 1.783 m2. Các xóm cũng tổ chức quy hoạch lại ruộng đồng, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi theo quy hoạch NTM.

Sau 4 năm có 36 xóm thuộc 6 xã thực hiện thành công, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Các xóm, xã đã cơ bản khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ giảm 65%, mỗi hộ chỉ còn từ 1-3 thửa. Việc thực hiện DĐ, ĐT theo nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Dấu ấn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU

Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 17/8/2007 của BTV Tỉnh ủy "về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở”, các Đảng bộ trực thuộc, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức triển khai Chỉ thị đến các chi bộ, đảng viên gắn với thực hiện các văn bản của T.ư về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Qua đó, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, lề lối, tác phong làm việc của công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực.

Phong trào thi đua "Dân vận khéo” tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể. Toàn tỉnh đã xây dựng được 2.079 mô hình "Dân vận khéo” trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

MTTQ và các tổ chức CT-XH phát huy tối đa vai trò trong xây dựng và thực hiện QCDC thông qua việc phối hợp thông tin kịp thời đến các tầng lớp nhân dân về kế hoạch phát triển KT-XH, dự án, công trình đầu tư, phương án đền bù, hỗ trợ GPMB,… Tham gia công tác tiếp dân, rà soát hương ước, quy ước, giám sát hoạt động của chính quyền và việc xử lý đơn thư KN, TC. Đẩy mạnh giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng và giám sát của nhân dân. Từ năm 2014 đến nay, MTTQ và các đoàn thể đã tổ chức 27 cuộc giám sát tại các địa phương, đơn vị với các nội dung như giám sát chương trình MTQG xây dựng NTM về thực hiện QCDC và phát huy vai trò của nhân dân tham gia thực hiện; Đề án đầu tư hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh; đánh giá sự hài lòng của người dân với chính quyền cơ sở;…

Đánh giá kết quả xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở, đồng chí Nguyễn Thị Oanh, UV BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: "Việc xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở như xã, phường, thị trấn; trong hoạt động của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp; trong doanh nghiệp và lực lượng vũ trang đều đảm bảo đúng theo tinh thần chỉ đạo của T.ư, của tỉnh. Từ đó phát huy tối đa tính dân chủ, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nổi bật trong đó là việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34 của ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng kể”.

Việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn đã đi vào nề nếp, phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Các nội dung phải công khai cho nhân biết như chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kế hoạch phát triển KT-XH; các quy định, trình tự giải quyết thủ tục hành chính, các nguồn vốn Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng,… cơ bản được thực hiện tốt, bằng nhiều hình thức như niêm yết tại trụ sở, qua hệ thống truyền thanh, các cuộc họp xóm, tiếp xúc cử tri.

Tính từ năm 2008 đến nay, chính quyền các cấp đã tiếp trên 12.000 lượt công dân, nhận và xử lý trên 11.000 đơn, thư các loại. Điểm nhấn đặc biệt trong thời gian qua là cải cách hành chính những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phục vụ người dân. Lãnh đạo các cấp đã quan tâm thực hiện tốt việc đối thoại, tiếp dân. Cụ thể như đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đối thoại với nhân dân 2 xã Hợp Thịnh và Hợp Thành (Kỳ Sơn)… Hiện, 100% xã, phường, thị trấn duy trì hoạt động của bộ phận nhận và trả kết quả phục vụ nhân dân.

Đa dạng giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện QCDC ở cơ sở

Thẳng thắn nhìn vào thực tế, thời gian qua, một số cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung về QCDC ở cơ sở còn hạn chế. Việc thể chế hoá các văn bản liên quan đến QCDC tại một số địa phương, đơn vị có lúc chưa kịp thời. Đặc biệt, vai trò kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân ở các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp chưa được phát huy tối đa hiệu quả. Việc thực hiện QCDC ở một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp không có vốn sở hữu của Nhà nước, doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, công đoàn còn biểu hiện hình thức.

Để khắc phục tình trạng đó cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp tối ưu, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ cho biết: "Nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, các văn bản về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở phải đặt lên hàng đầu. Coi việc thực hiện là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp uỷ và các cơ quan, đơn vị. Gắn việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và NQT.ư 4 (khoá XII). Kịp thời củng cố, kiện toàn BCĐ thực hiện QCDC các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị. MTTQ và các tổ chức CT-XH tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; phối hợp với chính quyền nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Tăng cường công tác CCHC, nâng cao chất lượng hoạt động các Trung tâm hành chính công gắn với thực hiện Chỉ thị số 29 củaDDBTV Tỉnh uỷ. Đặc biệt, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng và nâng cao trách nhiệm chính quyền, nhất là người đứng đầu trong thực hiện QCDC ở cơ sở. Đẩy mạnh đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Kịp thời giải quyết KN, TC và những bức xúc trong nhân dân”.

Nguồn: baohoabinh.com.vn, ngày 06/1/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất