Thứ Bảy, 28/12/2024
Bài học trọng dân, hiểu dân, học dân ở Cần Ðước
Ban giám sát đầu tư cộng đồng và người dân ấp Xóm Chùa, xã Tân Lân (Cần Ðước, Long An) giám sát công trình giao thông nông thôn.

Mọi việc đều bàn với dân

Năm qua, Ban Thanh tra nhân dân xã Long Hựu Tây tham gia giám sát việc thực hiện nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức xã và việc tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Tập hồ sơ tự chấm điểm dày hơn 200 trang báo cáo các hoạt động của Ban Chỉ đạo quy chế dân chủ cơ sở (QCDCCS) xã Long Hựu Tây năm 2017 cho thấy, tất cả mọi hoạt động giám sát đều được ghi chép đầy đủ, có chữ ký các bên liên quan, thể hiện trách nhiệm cao đối với công việc. Ðầu năm, UBND xã đề ra 23 nhiệm vụ thực hiện QCDCCS, cuối năm Ban Chỉ đạo QCDCCS xã tự chấm điểm đối với từng nhiệm vụ. Sau đó, Ban Chỉ đạo QCDCCS huyện chấm điểm đối với xã. Việc quản lý, sử dụng các loại quỹ huy động từ nhân dân và các tổ chức được kiểm tra, giám sát thường xuyên. Chủ tịch UBND xã thực hiện nghiêm việc tiếp công dân và Bí thư Ðảng ủy xã định kỳ đối thoại trực tiếp với người dân, xử lý kịp thời những vấn đề người dân quan tâm.

Do có sự công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện, người dân yên tâm đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi, kết cấu hạ tầng cơ sở. Xã chỉ có bốn ấp với hơn 2.000 dân, hầu hết các hộ dân đều tích cực tham gia hoạt động do địa phương tổ chức. Nhiều công trình được người dân ủng hộ, tự nguyện đóng góp kinh phí. Công trình làm đường Xóm Ðáy ở ấp Long Hưng trị giá 79 triệu đồng, người dân đóng góp 59 triệu đồng. Năm 2017, xã xây dựng mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, bắt đầu thí điểm ở ấp Tây và nhân rộng ra bốn ấp. Các ấp thi đua làm đường giao thông, như ấp Long Hưng làm đường và cầu Rạch Ranh, ấp Hựu Lộc làm đường Mương Tam. Xã quy định cụ thể 14 việc cần thông báo công khai cho người dân, năm việc nhân dân bàn và trực tiếp quyết định, chín việc nhân dân bàn, tham gia ý kiến, chính quyền xã quyết định. Ban giám sát đầu tư cộng đồng (GSÐTCÐ) của xã giám sát 15 công trình. Quá trình giám sát được thực hiện từ khi lấy ý kiến nhân dân về phương án xây dựng, các bản hợp đồng, thông báo cấp vốn, cho đến lúc nghiệm thu công trình. Nhờ đó, các công trình xây dựng trên địa bàn xã bảo đảm đúng chất lượng, tiến độ thi công. Từ việc thực hiện nghiêm QCDCCS, mọi công việc trong xã, ấp nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Trâm, Trưởng ban GSÐTCÐ xã Phước Ðông cho biết: Các đơn vị thi công trên địa bàn xã phải cung cấp cho Ban GSÐTCÐ bản vẽ chi tiết kèm theo các giấy tờ pháp lý liên quan. Người tham gia giám sát được hưởng chế độ theo quy định. Phước Ðông là xã lớn với hơn 17 nghìn dân, bám vào sông Vàm Cỏ. Người dân ở đây làm nông nghiệp giỏi, chăn nuôi gà, tôm sú, trồng lúa chất lượng cao. Nhiều năm nay, an ninh trật tự ở xã ổn định, hầu hết mâu thuẫn, xích mích đều được giải quyết tại ấp. Năm qua xã và ấp tiếp nhận 14 đơn, thư các loại và đã hòa giải thành công 13 đơn.

Chủ tịch UBND xã Ðỗ Hồng Ðăng nêu cách làm: Lãnh đạo xã đối thoại với người dân một buổi trên xã, hai buổi dưới ấp, nghe được nhiều ý kiến của bà con. Từ đó, UBND xã đã điều chỉnh một số hoạt động cho phù hợp. Khi người dân ấp 7 muốn vay vốn chăn nuôi bò, đồng chí Bí thư Ðảng ủy xã Huỳnh Văn Bánh đối thoại chuyên đề này với người dân, sau đó ấp đã thành lập tổ hợp tác nuôi bò và được ngân hàng cho vay vốn ban đầu. Cũng từ sự đồng thuận, xã Phước Ðông đã hình thành một số cánh đồng lúa chất lượng cao. Là xã thuần nông nhưng thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 37 triệu đồng.

Giải quyết thấu đáo kiến nghị, vướng mắc

Huyện Cần Ðước còn có nhiều mô hình, cách làm hiệu quả nhằm phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhân dân trong huyện đã đóng góp hơn 1,5 tỷ đồng lắp đặt gần 300 ca-mê-ra ở các nút, tuyến giao thông trọng điểm. Ðến nay, huyện đã chín lần tổ chức chương trình “về nguồn”, mỗi năm chọn một xã để tập trung nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông, các công trình công cộng, xây dựng nhà tình nghĩa, giúp đỡ hộ chính sách và xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, xã Tân Ân nhận được hơn 40 tỷ đồng hỗ trợ, trong đó 25% là nguồn xã hội hóa. Với nguồn lực này, chỉ trong thời gian ngắn, xã Tân Ân đã hoàn thành nhiều công trình, tiêu chí nông thôn mới.

UBND huyện tiến hành kiểm tra cải cách hành chính ở tất cả 17 xã, thị trấn, đồng thời ra mắt trung tâm hành chính công, đổi mới một bước phương pháp xử lý công việc hành chính. Cả huyện chỉ có 10 vụ khiếu nại, tố cáo, đều được giải quyết dứt điểm. Ban GSÐTCÐ các xã, thị trấn đã giám sát 89 công trình xây dựng, kiến nghị giải quyết 39 vụ việc.

Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Việt Cường, mọi quyết sách của huyện, xã đều được bàn bạc dân chủ, thận trọng, những băn khoăn, lo lắng của người dân được tháo gỡ đã tạo nên không khí làm việc rất trách nhiệm, cởi mở trong toàn huyện. Nhiều việc khó, việc mới đã hoàn thành nhờ có sự đồng thuận cao. Ðịnh kỳ hằng quý, lãnh đạo các xã họp với các khu dân cư để lắng nghe ý kiến của người dân. Ðối với những việc khó như giải phóng mặt bằng, toàn thể Ban Thường vụ Huyện ủy gặp gỡ trực tiếp nhân dân tại cơ sở, cùng chính quyền tháo gỡ vướng mắc. Ðội ngũ cán bộ, công chức huyện, xã làm việc với tinh thần trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân. Năm 2017, huyện Cần Ðước tiếp tục phát huy thế mạnh vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh Long An, đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thu nhập bình quân đạt 54 triệu đồng/người, số hộ nghèo giảm còn 1,65%. Những thành quả đó in đậm dấu ấn của việc thực hiện QCDCCS từ mỗi ấp, mỗi tổ dân phố. Huyện Cần Ðước được coi là điểm sáng trong thực hiện QCDCCS của tỉnh Long An, xứng đáng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 27/1/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi