Thực hiện Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở phường, xã, thị trấn (Pháp lệnh 34) tại TP Hồ Chí Minh đã góp phần đem lại không khí dân chủ trong nhân dân, phát huy sức dân trong chăm lo cho dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tại địa phương. Thực tế cũng cho thấy đã tạo được đồng thuận, huy động sự vào cuộc của nhân dân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Dự án nâng cấp cụm hẻm 154 Âu Dương Lân và các hẻm nhánh thuộc khu phố 1, 2, 3 ở phường 3, quận 8 đã huy động được người dân tham gia đóng góp toàn bộ kinh phí thực hiện. Đây là kết quả từ việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở theo tinh thần Pháp lệnh 34. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 3 Nguyễn Thị Tính, khi triển khai dự án này, phường thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tăng cường giám sát, nắm bắt tâm tư, tình cảm để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Việc phối hợp giữa phường với khu phố trong công tác giám sát đầu tư cộng đồng đã giúp người dân tin tưởng và tích cực tham gia đóng góp thực hiện dự án. Việc thực hiện Pháp lệnh 34 không chỉ huy động được kinh phí xây dựng các công trình công cộng phục vụ người dân mà còn giúp xây dựng hương ước, quy ước tại khu phố.
Ông Lê Đức Thắng, ngụ khu phố 2, phường 1, quận 5 chia sẻ, việc xây dựng hương ước, quy ước tại khu phố 2 đã tập trung đề ra các biện pháp, phương thức thích hợp giúp người dân trên địa bàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo đảm và phát huy quyền dân chủ của nhân dân. Đây là nhân tố quan trọng động viên và tạo điều kiện để người dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ công dân. Cùng với bảo đảm giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, thực hiện nếp sống văn minh, việc xây dựng hương ước, quy ước cũng đề ra các biện pháp cụ thể bảo vệ trật tự, trị an trên địa bàn, góp phần phòng, chống các tệ nạn xã hội tại khu phố… Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Đỗ Văn Đạo cho biết, qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh 34 (2007 - 2017), các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia bàn bạc, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng, thiết thực liên quan đến quyền lợi chính đáng của người dân; tham gia góp ý xây dựng chính quyền, tham gia các phong trào của địa phương với tinh thần tự nguyện, tự giác, hiến kế để xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh.
Trong 10 năm qua, đã có 9.440 dự án được nhân dân góp ý, tham gia thực hiện và đóng góp số tiền là 1.343 tỷ đồng. Nhân dân cũng đã phát huy tích cực quyền làm chủ thông qua việc tham gia góp ý, xây dựng chính quyền và các vấn đề liên quan đến đời sống; tham gia các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri với các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; góp ý vào dự thảo kế hoạch, phương án thực hiện các công trình có giá trị lớn. Việc tham gia góp ý của các tầng lớp nhân dân tạo động lực để tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính, chương trình xây dựng khu phố, ấp văn hóa, phường, xã, thị trấn văn hóa; xây dựng nông thôn mới. Trong 10 năm qua, UBND các quận, huyện ở thành phố phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tổ chức 2.730 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân (204.398 lượt người tham dự); tổ chức kiểm tra, giám sát được 1.765 lượt đối với 4.944 đơn vị;… Để có được những kết quả nêu trên, phần lớn chính quyền phường, xã, thị trấn ở thành phố đã thực hiện nghiêm túc 11 nội dung công khai, thông báo để nhân dân biết; ba nội dung nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định và các nội dung nhân dân giám sát theo quy định.
Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo của thành phố về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Võ Thị Dung yêu cầu các đơn vị của thành phố thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, thúc đẩy vai trò của nhân dân tham gia sâu hơn, có ý nghĩa hơn, thiết thực hơn vào việc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền ở cơ sở. Cùng với đó, tiếp tục rà soát kết quả thực hiện Pháp lệnh 34, nhất là quan tâm, làm tốt hơn nữa việc công khai để nhân dân biết, trong đó có công khai cán bộ được quy hoạch, công khai kết luận thanh tra, kiểm tra... để nhân dân tham gia, cùng kiểm tra, giám sát.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tăng cường vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để phát huy vai trò của người dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; nhân rộng những mô hình hay trong thực Quy chế dân chủ ở cơ sở; gắn việc thực hiện Pháp lệnh 34 với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 25/1/2018