Thứ Hai, 25/11/2024
Quảng Ninh: Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
 
Cử tri phường Giếng Đáy (TP Hạ Long) bày tỏ tâm tư, nguyện vọng tại cuộc tiếp xúc của đại biểu
HĐND thành phố với cử tri, tháng 11/2017. 

Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền có liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích của người dân đã được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tăng cường công khai, đưa ra người dân bàn bạc, thảo luận. Hầu hết các địa phương trong tỉnh mở rộng hình thức dân chủ cho nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, như: Đóng góp dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương; kế hoạch quy hoạch sử dụng đất, phương án đền bù giải tỏa và tái định cư; tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND; họp thôn, bản, tổ dân phố; hòm thư góp ý... Từ đó, ý thức làm chủ của người dân được thể hiện tốt hơn, góp phần quan trọng ngăn ngừa những vi phạm, tiêu cực, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp tại các địa phương, cơ sở.

Cán bộ chính quyền quan tâm hơn đến việc thực hiện QCDC gắn với cải cách hành chính, nhất là việc thực hiện cơ chế một cửa ở các địa phương trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giải quyết công việc, từ đó cán bộ được đặt mình trong sự giám sát của nhân dân. Nổi bật, lần đầu tiên UBND tỉnh ban hành Quy định lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công các cấp và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã (Quyết định số 3093 ngày 10/8/2017); tổ chức hội nghị tham vấn và tập huấn kiến thức về nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh với hơn 650 đại biểu; các hội thi cải cách hành chính ở các cấp. Năm qua cũng là năm lần đầu tiên tỉnh thực hiện điều tra sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (chỉ số SIPAS). Cụ thể, trong tháng 10, tháng 11/2017, Sở Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành điều tra Chỉ số SIPAS tại 7 địa phương: Hạ Long, Móng Cái, Đông Triều, Hoành Bồ, Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà và 37 xã thuộc 7 địa phương trên.

Cùng với những kết quả trên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã khẳng định được vai trò thông qua việc nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc. Nhiều nơi bí thư hoặc thủ trưởng cơ quan trực tiếp phụ trách, làm trưởng ban chỉ đạo thực hiện QCDC trong cơ quan, đơn vị. Các vấn đề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức được nhiều cơ quan công khai, tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức. Nhiều đơn vị đã quy định cụ thể, rõ ràng và thường xuyên bổ sung những quy định liên quan đến chế độ, chính sách cán bộ theo quy định của Đảng và Nhà nước, như việc mua sắm tài sản công; công khai tài chính; tuyển dụng lao động, công chức..., đã giúp thủ trưởng cơ quan lãnh đạo, điều hành dân chủ hơn.

Doanh nghiệp nhà nước và các công ty cổ phần chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước ngày càng quan tâm phát huy quyền dân chủ của người lao động. Các nội dung liên quan đến nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị, chế độ chính sách, quyền lợi người lao động... được công khai phổ biến, lấy ý kiến của người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp có ban thanh tra nhân dân, đã giúp cấp uỷ, ban giám đốc giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến người lao động. Đại hội công nhân viên chức, một hình thức phát huy dân chủ quan trọng, được đa số các doanh nghiệp tổ chức định kỳ hằng năm. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động; đồng thời giúp người lao động nhận thức rõ hơn trách nhiệm và quyền lợi của mình đối với Nhà nước và doanh nghiệp, tích cực tham gia phong trào thi đua, góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo triển khai. Các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng từng bước phát huy hiệu quả trong công tác thanh tra, giám sát các công trình, dự án, tiếp công dân. Qua đó đã kịp thời kiến nghị với nhà đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các sai phạm. Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh đã tập trung giám sát những vấn đề thiết yếu, nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền để nâng cao hiệu quả công tác, chấn chỉnh sai phạm, ngăn ngừa tiêu cực; tăng cường hoạt động giám sát thông qua hình thức tổ chức hội nghị chất vấn và chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh để giải trình công khai và trả lời chất vấn làm rõ những vấn đề đại biểu HĐND và cử tri quan tâm…

Với các giải pháp quyết liệt, cụ thể, việc thực hiện QCDC trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào cuộc sống. Qua đó góp phần làm cho hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Phương thức lãnh đạo của cấp uỷ đảng, sự điều hành của chính quyền, hoạt động của mặt trận, đoàn thể ngày càng đạt hiệu quả cao, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với nhân dân được nâng lên, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: baoquangninh.com.vn, ngày 26/2/2018


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất