Chủ Nhật, 29/12/2024
Ninh Bình: Tiếp tục đổi mới công tác dân vận, hướng về cơ sở

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Hàng năm đều triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ về công tác dân vận, nhất là công tác dân vận chính quyền; thực hiện nghiêm túc các chương trình giám sát và đối thoại hàng năm do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đề xuất.

Chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23 - NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, được cụ thể hóa với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; kịp thời tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn và phòng, chống các hoạt động tôn giáo trái pháp luật; xây dựng khối đoàn kết lương - giáo, đoàn kết toàn dân.

Các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục phát huy tốt vai trò hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, nhất là trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Quan tâm lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Ninh Bình là địa phương có nhiều cuộc vận động, phong trào mạnh, là điểm sáng được Trung ương ghi nhận: Phong trào xây dựng “Xứ, họ đạo bình yên - Chùa tinh tiến về an ninh trật tự”; phong trào hiến tặng giác mạc giúp người mù sáng mắt ở các giáo xứ của huyện Kim Sơn; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo”; vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội” ở 3 cấp...

Tuy nhiên, công tác dân vận của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn chung chung, thiếu sâu sát, chưa phát huy tốt vai trò tham gia giải quyết những vấn đề nổi cộm trong nhân dân. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở còn yếu; chưa thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc đổi mới phương thức trong lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, trên một số lĩnh vực còn chậm. Một số cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về công tác dân vận của Đảng.

Một số cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thực sự tâm huyết, còn thiếu sự chủ động nghiên cứu, tìm giải pháp, cách làm nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác dân vận trong cơ quan, đơn vị mình để tạo sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động. Trách nhiệm và sự nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được đề cao, chưa làm gương để quần chúng noi theo.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đổi mới công tác dân vận theo hướng sâu sát cơ sở, hiệu quả cần tập trung thực hiện những giải pháp đồng bộ, khoa học: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, mở rộng đối thoại trực tiếp với nhân dân, việc giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Phát huy hiệu quả bài học lớn về trọng dân, gần dân, sát dân, hiểu dân, yên dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, hướng tới mục tiêu “Đảng nói, dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; chính quyền làm, dân ủng hộ”. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, công tác dân tộc; xây dựng sự đồng thuận, đoàn kết trong khu dân cư, trong đồng bào các tôn giáo, dân tộc.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường mạnh mẽ hơn nữa công tác xây dựng Đảng; thường xuyên đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo trong thời kỳ mới; nắm bắt tốt thời cơ, thuận lợi, khắc phục khó khăn, đẩy lùi nguy cơ, thách thức; phấn đấu thực hiện mục tiêu của tỉnh Ninh Bình là giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, trong đó công tác dân vận có vai trò rất quan trọng trong việc tạo sự đồng thuận, sự đoàn kết toàn dân, nhất là trong thực hiện những việc mới, việc khó…/.

(baoninhbinh.org.vn)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi