Tỉnh Phú Thọ xác định công tác dân vận chính quyền có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương; là cầu nối trực tiếp nhất đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, quy định của địa phương tới Nhân dân.
|
Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền
xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba với người dân
|
Những năm gần đây, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan nhà nước và
chính quyền các cấp tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương,
chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận và thực hiện dân chủ ở
cơ sở để triển khai thực hiện; trong đó tập trung thực hiện hiệu quả
chương trình tổng thể cải cách hành chính; chú trọng chăm lo, cải thiện
đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; tăng cường đối thoại trực
tiếp với Nhân dân, nâng cao chất lượng tiếp công dân, hướng dẫn, giải
thích pháp luật trong tiếp công dân, giải quyết đơn kiến nghị, khiếu
nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở.
Trong năm 2019, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành kế hoạch thực hiện “Năm vận chính quyền 2019” với chủ đề: “Nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” và phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Chỉ đạo các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp cụ thể hóa và triển khai thực hiện đồng bộ công tác dân vận; tăng cường phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương, cơ sở. Chú trọng phổ biến, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận; đẩy mạnh học tập chuyên đề “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, đã đưa nội dung công tác dân vận vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đối tượng chính sách xã hội, xử lý những vấn đề phát sinh, phức tạp ở cơ sở. Công tác dân vận được kết hợp với thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Từ phong trào đã khơi dậy, động viên tinh thần, trí tuệ, nguồn lực, sự đồng thuận của Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở, góp phần tích cực hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh của địa phương. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 7 nghìn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người trên 44 triệu đồng. Toàn tỉnh có 01 huyện, 105 xã và 246 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 24 xã và 196 khu so với năm 2018); trong đó, thị xã Phú Thọ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thành phố Việt Trì và huyện Thanh Thủy có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Công tác rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tăng cường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Công tác tuyên truyền về thực hiện sắp xếp, sáp nhập khu dân cư, đơn vị hành chính cấp xã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong kiểm soát, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa điện tử” tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Phong cách, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được đổi mới theo tinh thần phục vụ Nhân dân. Nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện hòm thư góp ý, đường dây nóng, lấy phiếu khảo sát sự hài lòng của người dân... để giám sát việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Năm 2019, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt 98,85%. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng phục vụ và giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%. Quy định đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động các cơ quan cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã thực hiện đã phản ánh mức độ đạt yêu cầu về chất lượng hoạt động, từ đó khắc phục những hạn chế, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có nhiều đổi mới. Đã chú trọng tuyên truyền, vận động, giải thích pháp luật, đối thoại giữa nhiều bên để giải quyết vụ việc, hạn chế việc chuyển đơn đến nhiều cấp, vượt cấp, phát sinh điểm nóng, phức tạp, bức xúc trong Nhân dân. Đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân được tổ chức hiệu quả, đi vào nền nếp.
|
Các lực lượng tham Chương trình dân vận của huyện Thanh Sơn năm 2019
tại xã Tinh Nhuệ và Tân Minh
|
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp tỉnh Phú Thọ cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện công tác dân vận phù hợp chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tổ chức thực hiện hiệu quả chuyên đề 2020 về “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực” và phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025.
Hai là, tăng cường rà soát quy chế làm việc, nâng cao năng lực quản lý, cải tiến lề lối làm việc, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, văn minh công sở trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp. Quan tâm công tác bồi dưỡng nghiệp vụ dân vận cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, trực tiếp giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.
Ba là, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và áp dụng thực hiện mô hình “một cửa hiện đại”. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; cán bộ, công chức, viên chức trong công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, bức xúc trong Nhân dân; có biện pháp chỉ đạo đồng bộ sự phối hợp các cấp, các ngành cùng tham gia giải quyết kịp thời dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị, đề nghị của Nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.
Bốn là, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chương trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.Thực hiện tốt việc tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân về các chủ trương, chính sách lớn, quan trọng của Nhà nước, của tỉnh có liên quan đến đời sống Nhân dân trước khi quyết định gắn với công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Nguyễn Thị Thanh Huyền - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Thọ/phutho.gov.vn