Thứ Sáu, 19/4/2024
Thủ đô Hà Nội: Phát huy vai trò của công tác dân vận để tạo sự đồng thuận

Nhân dịp đầu Xuân mới, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã chia sẻ với báo Lao động Thủ đô về việc nâng cao hiệu quả công tác dân vận góp phần thiết thực vào thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

PV: Thời gian qua, công tác dân vận trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền chú trọng triển khai thực hiện. Những kết quả cụ thể đạt được là gì, thưa đồng chí?

Đ/c Nguyễn Thị Tuyến: Là Đảng bộ có số lượng đảng viên đông nhất cả nước, những năm qua, Thành ủy Hà Nội luôn chủ động vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quan điểm chỉ đạo của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Thành ủy, các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị đã chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối, phong cách làm việc theo hướng tập trung, quyết liệt, dứt điểm, hiệu quả; hướng mạnh về cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý, tháo gỡ những khó khăn, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân.

Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện QCDC ở cơ sở, từ đó rút ra nhiều kinh nghiệm hay, đặc biệt trong việc triển khai thực hiện QCDC trong các loại hình mới. Riêng trong năm 2019, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thành phố đã kiểm tra tại 177 xã, phường, thị trấn thuộc 26 quận, huyện, thị xã và 05 sở, ngành của thành phố, việc kiểm tra trực tiếp tại cơ sở đã giúp cho các cấp ủy, chính quyền nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở.


 Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến
 tặng hoa các đội dự thi “Dân vận khéo” cấp Thành phố năm 2019

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thành phố đã chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy thực hiện tốt Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25/5/2017 của Thành ủy về “Ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội”, các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố đã trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc đối thoại với nhiều tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền địa phương, phát huy dân chủ, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.

Ban Dân vận Thành ủy đã tham mưu với Ban Chỉ đạo Công tác tôn giáo thành phố phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng của Trung ương giải quyết nhiều việc mới, việc khó về tôn giáo, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Đặc biệt, tổ chức, bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được quan tâm xây dựng, kiện toàn, chất lượng tham mưu cho cấp ủy tiếp tục được chú trọng, giúp nâng cao vị thế của hệ thống dân vận.

PV: Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, góp phần bảo vệ an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, xin đồng chí cho biết công tác dân vận thời gian tới sẽ tập trung vào những nhiệm vụ nào?

Đ/c Nguyễn Thị Tuyến: Thời gian tới, các cấp ủy và hệ thống chính trị của thành phố sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức vận động, tập hợp quần chúng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng, hướng mạnh về cơ sở. Khắc phục tình trạng hành chính hóa, phô trương, hình thức; phấn đấu theo phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Bên cạnh đó, công tác dân vận gắn với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần tích cực thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đã đề ra.

Đồng thời, Ban Dân vận Thành ủy tiếp tục gắn việc học tập tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày 30/10/2016 “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”…

PV: Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 sắp diễn ra, xin đồng chí cho biết hệ thống dân vận của thành phố sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để góp phần thiết thực vào thành công của Đại hội?

Đ/c Nguyễn Thị Tuyến: Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2020 – 2025 là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Thủ đô và đất nước, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân.

Nhằm góp phần thiết thực để Đại hội diễn ra thành công, các cấp ủy và hệ thống dân vận thành phố sẽ tập trung tăng cường nắm chắc tình hình nhân dân, đặc biệt ở các địa phương có những vấn đề phát sinh ở những lĩnh vực nhân dân có nhiều bức xúc để tham mưu, giải quyết phù hợp, kịp thời, nhất là trong thời gian diễn ra Đại hội các cấp.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 04/7/2017 của Thành ủy “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” gắn với thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương, đặc biệt là triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 155-KH/TU ngày 8/7/2019 của Thành ủy Hà Nội “Về việc tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 – 2025”; Đề án số 21-ĐA/TU, ngày 16/9/2019 của Thành ủy Hà Nội về “Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội” và Đề án chính quyền đô thị; nâng cao trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; phát huy dân chủ gắn với kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ tiêu cực, sai phạm của cán bộ và những hành vi lợi dụng dân chủ để gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở cơ sở; thường xuyên nắm bắt, phân tích, dự báo diễn biến tình hình nhân dân, chủ động tham mưu, giải quyết kịp thời, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(laodongthudo.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất