Đến nay 10/10 huyện, TP của tỉnh Bắc Giang đã thực hiện mô hình Trưởng Ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) cấp huyện theo Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XII). Những người “gánh” hai vai đang từng bước khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả công việc.
|
Đồng chí Nguyễn Mạnh Mười (ngoài cùng, bên phải), Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy,
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lạng Giang tham quan mô hình sản xuất nấm trên địa bàn. |
Sẵn sàng đảm nhận việc khó
Tháng 4/2019, đồng chí Nguyễn Mạnh Mười được Ban Thường vụ Huyện ủy Lạng Giang phân công giữ chức Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện. Đảm nhận hai vai đúng thời điểm huyện tập trung về đích nông thôn mới, nhiều nhiệm vụ mới và khó đặt ra.
Trong đó, nổi bật như giải phóng mặt bằng dự án làm đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn liên quan đến quyền lợi của người dân đòi hỏi cán bộ phải dành thời gian đi cơ sở nắm tình hình, làm công tác tuyên truyền, vận động. “Khi đó có 4 hộ ở xã Hương Sơn chưa bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm công tác dân vận và mặt trận, tôi cùng cán bộ đến từng nhà gặp gỡ, vận động, có hôm 9-10 giờ tối mới về tới nhà. Từ nhận thức rõ lợi ích dự án mang lại, bà con đã đồng ý nhận tiền đền bù, bàn giao đất giúp đơn vị thi công có mặt bằng bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án”, ông Mười chia sẻ.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhiều nhiệm vụ khó của huyện cũng bảo đảm tiến độ nhờ phát huy hiệu quả mô hình dân vận khéo, trong đó có vai trò không nhỏ của MTTQ và các tổ chức thành viên. Đặc biệt huyện đạt chuẩn nông thôn mới sớm hơn một năm so với kế hoạch.
Ngay khi nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Bắc Giang, đồng chí Trần Thị Hà đã dành thời gian nghiên cứu tài liệu, đi cơ sở nắm bắt tình hình thực tế và kiện toàn lại các bộ phận chuyên môn.
Qua nắm dư luận nhân dân, Ban Dân vận tiếp tục tham mưu với Thành uỷ triển khai việc đăng ký mô hình dân vận khéo với cá nhân người đứng đầu các chi, đảng bộ cơ sở; mô hình đảng bộ dân vận khéo khối phường, xã gắn với bảo đảm trật tự đô thị, môi trường, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án. Các mô hình bảo đảm gắn với nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết những vấn đề cấp thiết ở địa phương, đơn vị.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng chí Dương Công Định, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lục Nam cho hay: Trước mỗi nhiệm vụ, ngoài nghiên cứu văn bản chỉ đạo, những quy định liên quan, tôi lắng nghe ý kiến của các đồng chí cấp phó, cán bộ chuyên môn để có quyết sách phù hợp. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ dân vận, mặt trận, năm 2019 huyện đã vận động được 11 nghìn hộ hiến hơn 136 nghìn m2 đất thổ cư, đất ruộng, phá dỡ 8 nghìn m2 tường rào, đóng góp hơn 75 tỷ đồng, 12 nghìn ngày công lao động xây dựng đường giao thông và các công trình phúc lợi ở địa phương. Nhiều công trình được xây dựng khang trang, đường giao thông mở rộng, bê tông kiên cố đã góp phần đổi thay diện mạo nông thôn mới, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Nêu cao trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ
Việc bố trí cán bộ đảm nhận chức danh Trưởng Ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Cùng đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong cán bộ thuộc diện sắp xếp. Việc giao hai chức danh cùng lúc cũng là cơ hội thử thách năng lực đội ngũ cán bộ. Thực tế, sau một thời gian hoạt động, mô hình này tại một số địa phương hoạt động khá hiệu quả.
Về mô hình thí điểm này, cuối năm 2019, Ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá kết quả thực hiện. Qua đánh giá cho thấy, bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai cũng có những khó khăn, chủ yếu là do cùng lúc “gánh” cả hai vai nên người đứng đầu ít có thời gian nắm bắt tình hình cơ sở. Cùng đó, số lượng các cuộc hội họp nhiều, biên chế của hai cơ quan có hạn nên việc triển khai các nhiệm vụ đôi lúc còn chậm. Trong khi theo quy định, sắp tới sẽ giảm một lãnh đạo cấp phó ở Ban Dân vận và MTTQ cấp huyện nên việc điều hành công việc của cán bộ đảm nhận hai vai gặp khó khăn hơn.
Để phát huy hiệu quả của mô hình, người đứng đầu các đơn vị tiếp tục nêu cao trách nhiệm, khả năng bao quát, điều hành. Xem xét bố trí, cơ cấu một đồng chí Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Thành ủy hoặc một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, TP tham gia cấp ủy cấp huyện để thuận lợi trong chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ.
|
Để phát huy hiệu quả của mô hình, người đứng đầu các đơn vị tiếp tục nêu cao trách nhiệm, khả năng bao quát, điều hành. Xem xét bố trí, cơ cấu một đồng chí Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Thành ủy hoặc một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, TP tham gia cấp ủy cấp huyện để thuận lợi trong chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, đội ngũ cấp phó và chuyên viên của hai cơ quan không ngừng bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên từ đó tích cực tham mưu với lãnh đạo các giải pháp thực hiện hiệu quả.
Đơn cử như TP Bắc Giang thành lập Chi bộ dân vận - mặt trận, hằng tháng trong các buổi sinh hoạt, ngoài tuyên truyền, thông tin thời sự, chi bộ còn đề ra phương hướng lãnh đạo của hai lĩnh vực công việc, sau đó cùng thảo luận, thống nhất thực hiện. Tới đây, Ban Dân vận Huyện ủy và Ủy ban MTTQ huyện Việt Yên sẽ phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác mặt trận, dân vận cho cán bộ làm công tác này tại cơ sở; cùng đó nhân rộng những mô hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, giải phóng mặt bằng.
(baobacgiang.com.vn)