Thứ Hai, 6/1/2025
Đồng Tháp: Công tác dân vận cơ sở đi vào những vấn đề người dân quan tâm
Người dân huyện Cao Lãnh đóng góp ý kiến về tình hình an ninh trật tự tại địa phương

Thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các Chương trình hành động số 15-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, Chỉ thị số 05-CT/TW; sự đồng hành, đối thoại của cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị với cán bộ công chức, nhân dân, doanh nghiệp thông qua các hình thức như Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ doanh nghiệp thông qua mô hình “Cà phê hàng tuần”, “Chính quyền đồng hành cùng nhân dân”, “Chương trình Khởi nghiệp”, diễn đàn lãnh đạo tỉnh gặp gỡ thanh niên... những động thái trên đã góp phần cải thiện môi trường phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tháo gỡ nhanh những khó khăn của người dân, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất, góp phần đưa Đồng Tháp giữ vững vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh, đứng thứ 10 chỉ số PAPI của cả nước.

QCDC ở cơ sở từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường từ hướng dẫn đến kiểm tra, giám sát, thực hiện QCDC cơ sở ở từng loại hình; phân công cụ thể thành viên phụ trách, giám sát địa bàn, loại hình QCDC ở cơ sở; mỗi loại hình dân chủ ở cơ sở được thực hiện thí điểm một đơn vị. Đơn vị điểm của tỉnh thực hiện đầy đủ nội dung dân chủ gồm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; xã Định Yên - huyện Lấp Vò; Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (doanh nghiệp)...

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội thể hiện vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến phản ánh của nhân dân, những kiến nghị đối với chính quyền, ngành chức năng có thẩm quyền giải quyết; mô hình “Tổ nhân dân tự quản”, “Hội Quán nông dân” ra đời. Toàn tỉnh hiện có 21 hội quán được thành lập, mỗi hội quán gắn với một ngành hàng đặc trưng của địa phương, góp phần liên kết sản xuất...

Nhiều cách làm mới, mô hình hay được duy trì, nhân rộng góp phần mang lại hiệu quả trong công tác dân vận chính quyền như mô hình “Đoạn đường 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, “Phổ biến và vận động chấp hành pháp luật” của Hội Nông dân, “Xây dựng chi đoàn đạt chuẩn trên địa bàn dân cư của Đoàn thanh niên”, “Mô hình Tổ tự quản đường biên cột mốc”...

Hiện nay, 12/12 huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác dân vận của chính quyền; ra mắt Trang Thông tin điện tử Trung tâm hành chính công tỉnh phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp, triển khai thực hiện quy định về tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện công ích.

Tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, công tác dân vận được chính quyền các cấp thực hiện theo hướng quan tâm đến đời sống người dân. Ở huyện Lấp Vò, công tác dân vận được tập trung vào các việc như mua bảo hiểm y tế tự nguyện, xây dựng cầu bê tông, nhà Nghĩa tình đồng đội, vận động nhân dân tham gia Tuần lễ Du lịch Đồng Tháp... Huyện Cao Lãnh xây dựng mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới; thực hiện các công trình thắp sáng đường quê, trồng cây xanh, rải nhựa, thực hiện mô hình Tết Quân - Dân tại xã Mỹ Long... Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường thực hiện công tác đào tạo nghề nông thôn, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, giới thiệu việc làm trong nước...

Bên cạnh những thuận lợi, công tác dân vận của hệ thống chính trị vẫn còn một số khó khăn như định hướng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội vẫn còn hạn chế, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của đoàn viên, hội viên nhân dân có lúc chưa đầy đủ, kịp thời; công tác giám sát, phản biện xã hội ở một số lĩnh vực chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; kỹ năng, phương pháp làm việc của một bộ phận cán bộ làm công tác dân vận chưa theo kịp yêu cầu...

Nguồn: baodongthap.vn, ngày 02/8/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất