Chọn việc thiết thực
Tổ liên gia số 1 thôn Trung Phụ Ngoài, xã Tân Hưng (Lạng Giang) nằm dọc bờ kênh và gần với các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn. Từ nhiều năm nay, bờ kênh này không có lan can bảo vệ nên hàng năm vẫn xảy ra tình trạng trẻ em bị đuối nước. Đầu tháng 3 vừa qua, các hộ dân ở đây đã đóng góp và huy động bà con trong thôn ủng hộ hơn 70 triệu đồng mua vật liệu lắp đặt gần 500m lan can sắt và hàng chục đèn chiếu sáng tại bờ kênh.
Ông Lê Nguyên Hồng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn nói: Số tiền lớn nhưng là việc thiết thực nên người dân đồng thuận cao, chỉ trong vòng vài ba ngày là tổ vận động đã thu xong. Ngoài các hộ ở Tổ liên gia số 1, các hộ khác trong thôn cũng tự nguyện góp tiền, góp công để lắp lan can. Qua đó góp phần bảo đảm an toàn cho người dân nhất là các em học sinh khi đi qua khu vực này.
Dự án dân cư trên địa bàn xã Tăng Tiến (Việt Yên) có diện tích mặt bằng cần giải phóng là 3,45 ha. Xã có 77 hộ có đất bị thu hồi, trong đó nhiều hộ thu hồi gần 50% diện tích. Đồng chí Thân Văn Giang, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung cao, năm 2017, Khối dân vận của xã đã đăng ký với Ban Dân vận Huyện ủy thực hiện mô hình dân vận khéo trong công tác giải phóng mặt bằng.
Để triển khai hiệu quả, Đảng ủy giao trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí là trưởng các chi, hội, đoàn thể từ xã tới thôn. Chẳng quản sớm tối, các thành viên trong khối dân vận tích cực gặp gỡ, giải thích cho bà con hiểu rõ lợi ích của việc thực hiện dự án. Bằng cách làm này, 77 hộ gia đình đã đồng ý nhận tiền hỗ trợ, bồi thường mà không để xảy ra đơn thư, khiếu nại.
Đẩy mạnh phong trào từ cơ sở
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho hay: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức trong hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Từ định hướng chung của tỉnh, Ban Dân vận các huyện, thành ủy chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp quan tâm xây dựng những mô hình, điển hình theo phương châm sát thực tiễn. Nhiều địa phương, đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp phong trào đi vào đời sống.
Năm qua, các địa phương đã đăng ký triển khai hàng trăm mô hình dân vận ở các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, môi trường và an ninh-quốc phòng. Các mô hình đều bảo đảm gắn với nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết ngay những vấn đề còn hạn chế ở địa phương, đơn vị như: Vệ sinh môi trường; hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thực hiện nếp sống văn minh, giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển công nghiệp...
Các tổ dân vận vận động tổ chức, cá nhân hiến gần 500 nghìn m2 đất và hàng vạn ngày công xây dựng hạ tầng nông thôn. Điển hình như ông Vi Văn Hùng, hội viên Hội CCB xã Dương Hưu (Sơn Động) hiến 5.000m2 đất lâm nghiệp để UBND xã quy hoạch xây dựng bãi rác thải tập trung; mô hình vận động nhân dân tham gia BHYT của phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang), từ khéo tuyên truyền, thuyết phục, chỉ sau 3 ngày phường đã vận động 100% người dân trên địa bàn tham gia BHYT. Đây cũng là đơn vị sớm nhất cả tỉnh hoàn thành nội dung này trong năm qua.
Hiện nay, các huyện, thành ủy đang duy trì thực hiện hơn 4.700 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực. Thấy rõ hiệu quả phong trào thi đua, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận. Gắn dân vận khéo với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, cơ sở, nhất là quan tâm nhân rộng các mô hình tham gia giải quyết những vấn đề bức thiết của nhân dân. Cùng đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội trong việc duy trì bền vững những mô hình hay, cách làm sáng tạo.
Năm 2017, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã biểu dương, công nhận 21 mô hình, điển hình dân vận khéo cấp tỉnh. Ban Dân vận các huyện, TP cũng xét và ban hành quyết định công nhận vào cuối năm đối với những tập thể, cá nhân làm tốt.
|
Vân Anh/Báo Bắc Giang điện tử