Thứ Sáu, 27/12/2024
Hà Giang: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tăng cường truyền thông vệ sinh phòng chống dịch COVID-19

Sau thời gian mốc ngày 7/3, khi bắt đầu bùng phát số ca nhiễm trong cộng đồng tại Việt Nam, trước tình hình  diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo, phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức các buổi truyền thông tại cộng đồng trong đó chú trọng truyền thông tại các xã biên giới trên phạm vi toàn tỉnh.


 Cán bộ y tế truyền thông và hướng dẫn người dân xã Xín Mần huyện Xín Mần đeo khẩu trang đúng cách


Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh và Sở tế, đến nay Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, thực hiện nhiều đợt truyền thông lưu động tại đường phố, cung cấp tài liệu cho các đơn vị y tế để tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình tại các huyện/thành phố, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như phản ánh các hoạt động của ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Công tác vệ sinh cá nhân luôn được Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đặt lên hàng đầu trong các nội dung tuyên truyền. Trung tâm tuyên truyền người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như: giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi; đeo khẩu trang ở nơi công cộng; giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao; thường xuyên lau chùi sàn nhà, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, vệ sinh các đồ vật bằng chất tẩy rửa, tăng cường lưu thông không khí trong phòng; hạn chế đi đến các nơi tập trung đông người. Trong trường hợp đi đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng...; nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Xác định công tác tuyên truyền phải được thực hiện đầu tiên, bởi khi người dân biết, người dân hiểu và đánh giá được mức độ quan trọng của việc phòng chống dịch bệnh, ý thức của người dân tăng lên thì công tác phòng chống dịch sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Với địa hình miền núi, nhiều xã vùng cao, đi lại khó khăn và có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cùng với các Trung tâm y tế huyện, xã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp trên từng địa bàn.


 Tuyên truyền phòng chống dịch bằng tiếng Mông có phụ đề tiếng Việt qua clip (ảnh cắt từ clip)

Tại huyện Hoàng Su Phì, trung tâm y tế huyện đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và du lịch biên tập nội dung để tuyên truyền bằng 4 thứ tiếng dân tộc gồm: Nùng, Dao, Mông và tiếng Việt.  Đồng thời, xây dựng kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh không dây, mạng xã hội Zalo, Facebook, đối với các tuyến đường chính thì dùng xe ô tô thông tin lưu động của đơn vị đi tuyên truyền, còn đối với các tuyến đường nhỏ thì huy động đội ngũ cán bộ y tế, văn hóa tại các xã, buộc loa di động lên xe máy đi tuyên truyền để bà con nắm được cách phòng tránh dịch bệnh.

Tại huyện Quang Bình, nơi có đông đồng bào dân tộc Pà Thẻn sinh sống; nhiều thôn, bản nằm cách xa trung tâm xã chưa được tiếp cận thông tin, mặt khác chủ yếu là dân tộc thiểu số lại không nghe, hiểu được tiếng phổ thông nên Trung tâm y tế huyện cùng với trạm y tế xã  đã tuyên truyền bằng tiếng dân tộc Pà Thẻn, cử cán bộ y tế xã đến từng hộ gia đình trong thôn, bản để phổ biến cho người dân nắm được các biểu hiện của dịch bệnh cũng như các cách phòng chống đơn giản, dễ nhớ.

Huyện Đồng Văn, với đa phần dân số là đồng bào Mông, các cán bộ y tế và văn hóa nơi đây đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả, trong đó có việc xây dựng các video clip hướng dẫn bà con phòng chống dịch Covid-19 bằng tiếng Mông, có phụ đề tiếng Việt.

Nhờ làm tốt công tác truyền thông, đa dạng hóa hình thức, tới nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang mới chỉ duy nhất có 1 trường hợp nhiễm bệnh.  Đại đa số bà con dân tộc thiểu số đều nắm được phương pháp vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, vệ sinh nhà cửa…, thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Hồng Liên


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi