Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng đầu tiên được tổ chức vào năm 2008, khi hơn 120 triệu trẻ em trên thế giới rửa tay với xà phòng tại hơn 70 quốc gia. Kể từ đó, các nhà lãnh đạo cộng đồng và quốc gia đã sử dụng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng để tuyên truyền về việc rửa tay, xây bồn rửa tay, đồng thời thể hiện sự đơn giản và giá trị của bàn tay sạch. Ngày Thế giới rửa tay đã tiếp tục phát triển và được tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng 10. Năm 2021, ngày Thế giới rửa tay có chủ đề: “Tương lai của chúng ta đang ở trong tầm tay - Cùng nhau tiến lên".
Mỗi ngày, mọi người đều tiếp xúc với những đồ vật có nguy cơ chứa các tác nhân gây bệnh (vi rút, vi khuẩn, nấm...). Bàn tay thường cũng là nơi trực tiếp tiếp xúc nhiều với niêm mạc, dịch tiết cơ thể. Vi rút gây bệnh có thể theo dịch tiết lan rộng ngoài cộng đồng khi chúng ta vô tình đưa tay lên mắt, mũi, miệng hay chạm vào người hoặc vật khác. Trong khi đó các bệnh, dịch xảy ra có liên quan trực tiếp đến vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, như: tiêu chảy, giun sán, chân tay miệng, ... Đặc biệt trong thời gian này khi dịch COVID-19 đang bùng phát và diễn biến phức tạp, để phòng dịch, Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo người dân nên tuân thủ quy tắc 5K, trong đó có việc duy trì thói quen rửa tay sạch khuẩn.
|
Trung tâm y tế huyện Xín Mần (Hà Giang) phối hợp với Đoàn thanh niên tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách thức rửa tay với xà phòng tại chợ phiên |
|
Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, thì việc rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh chứa ít nhất 60% cồn là biện pháp đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe. Bởi lẽ, vi rút gây bệnh COVID-19 lây lan qua giọt bắn khi tiếp xúc trực tiếp với người mang vi rút hoặc thông qua bàn tay chạm vào những bề mặt vật dụng trung gian nhiễm vi rút rồi đưa lên mặt. Do đó, việc duy trì thói quen rửa tay sẽ góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh COVID -19. Ngoài ra chúng tahoàn toàn có thể phòng tránh, giảm nguy cơ mắc các dịch bệnh truyền nhiễm khác chỉ với động tác rất đơn giản là thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch. Rửa tay với xà phòng là một hành động tuy nhỏ nhưng tác dụng rất lớn đối với sức khoẻ. Đó là chìa khóa để giảm gánh nặng của nhiều bệnh tật vốn gây ra những thách thức đối với sức khỏe và sự phát triển của con người. Rửa tay là biện pháp bảo vệ “tuyến đầu” trong việc ngăn chặn bùng phát và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm.
|
Các bước rửa tay đúng cách của Bộ Y tế |
Rửa tay có thể làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh tiêu chảy tới 31%, giảm gần 20% việc lây truyền các bệnh đường hô hấp. Khi rửa tay với xà phòng và nước sạch, phần lớn mầm bệnh, sẽ bị loại bỏ khỏi bàn tay trước khi bàn tay tiếp xúc với mắt, mũi, miệng, thực phẩm. Hoặc sẽ không bị lây truyền qua việc bắt tay nhau, không còn dính lên bề mặt của các vật dụng để có thể truyền bệnh.
Mỗi người tự nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và thực hiện rửa tay ngay sau khi ho hoặc hắt hơi; trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thực phẩm; sau khi đi từ bên ngoài trở về nhà; sau khi tiếp xúc người bệnh; sau khi đi vệ sinh; sau khi vệ sinh cho trẻ nhỏ; sau khi mua sắm, cầm tiền; sau khi tiếp xúc vật nuôi; trước khi đi vào lớp học hoặc bất cứ khi nào tay bẩn… Việc rửa tay với xà phòng cũng cần tuân thủ theo đúng 6 bước đã được Bộ Y tế hướng dẫn.
Để việc rửa tay bằng xà phòng được thực hiện có hiệu quả và có sức lan tỏa trong cộng đồng cần tổ chức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường thực hành rửa tay xà phòng vào các thời điểm quan trọng. Đồng thời, cải thiện khả năng tiếp cận với các khu vực rửa tay để đảm bảo các khu vực, thiết bị phục vụ việc rửa tay với xà phòng có sẵn và hoạt động tốt. Việc đảm bảo khả năng tiếp cận này có tác động lâu dài đến hành vi và thói quen rửa tay xà phòng của mọi người dân. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản phẩm vệ sinh phải được đẩy mạnh trong gia đình, trường học, cơ sở chăm sóc sức khỏe và những nơi công cộng.
Rửa tay với xà phòng vào những thời điểm quan trọng là một cách làm đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm để phòng ngừa bệnh, dịch.
Tố Quyên