Từ khi dự án Tiểu hợp phần vệ sinh nông thôn, thuộc Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL (WB6), được triển khai đã hỗ trợ một phần cho cuộc sống còn nhiều khó khăn của hộ nghèo. Qua đó giúp nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc xây dựng nhà vệ sinh hợp lý, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe.
Dự án Tiểu hợp phần vệ sinh nông thôn được thực hiện tại huyện Trần Văn Thời và U Minh với tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ đồng. Trong đó, dự án xây dựng 5 nhà vệ sinh trường học và rửa tay với xà phòng tại 5 điểm trường; xây dựng hố xí tự hoại cho 1.925 hộ nghèo và hộ gia đình chính sách tại 8 xã thuộc 2 huyện này.
Xã Khánh Hội, huyện U Minh là một trong những xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang. Trong đó, Ấp 1 có đến 71 hộ nghèo, tập trung nhiều nhất là khu dân cư Lung Ranh. Khu dân cư này có diện tích 7,9 ha, được đầu tư trên 50 tỷ đồng. Đa số các hộ dân nơi đây là đồng bào Khmer, có hộ khẩu từ các xã: Khánh Hội, Khánh Hoà và Khánh Lâm. Hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, gồm đường giao thông chính rộng trên 10 m bằng bê-tông, có trường tiểu học, tổ y tế, nhà lồng chợ, đèn thắp sáng công cộng, có nguồn nước ngọt đảm bảo cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất.
Hạ tầng khang trang là vậy, nhưng có một nghịch lý là các hộ dân nơi đây không có nhà tiêu hợp vệ sinh trong nhà, mà phải dựng tạm bợ ngoài bờ ao, mé sông. Được sự hỗ trợ từ Dự án Tiểu hợp phần vệ sinh nông thôn, 156 hộ nghèo thuộc 9 ấp trong xã đã cải thiện được điều kiện vệ sinh.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó trưởng Ấp 1, xã Khánh Hội, cho biết: “Hiện đơn vị thi công đã xây xong bệ vệ sinh cho một số hộ dân trong ấp, phần còn lại như dựng vách hoặc lót nền cho sạch sẽ thì người dân tự làm. Để làm phần đó phải tốn khoảng 3 triệu đồng nên những hộ nghèo chỉ dựng vách tạm để che chắn”.
Khi mới triển khai dự án, giá trị cho 1 nhà vệ sinh hầm tự hoại bằng nhựa khoảng 3.579.000 đồng, WB hỗ trợ 1.926.000 đồng, hộ dân đóng góp 1.653.000 đồng. Sau khi rà soát lấy ý kiến thì đa số hộ nghèo không thực hiện vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện kinh tế để đóng góp xây dựng. Vì thế, tỉnh xuất ngân sách tạm ứng hỗ trợ hoàn toàn cho hộ nghèo và gia đình chính sách.
Chị Nguyễn Thị Phú, Ấp 2, xã Khánh Hội, chia sẻ: “Trước đây, gia đình phải dựng tạm cầu vệ sinh ở bờ mương vì không có điều kiện để xây đàng hoàng. Khi được hỗ trợ xây dựng, tôi rất mừng, vừa không ô nhiễm môi trường, vừa tiện lợi, đảo bảo sức khỏe của mình, gia đình và mọi người xung quanh”.
Ông Quách Hoàng Khải, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hội, cho biết: “Dự án nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường. Đồng thời nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân về sử dụng nước sạch, xử lý rác thải, xác động vật, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, chung tay gìn giữ và bảo vệ môi trường nước trong tương lai. Đây là việc làm vừa có ý nghĩa thiết thực, vừa góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới”.
|
Thanh Thảo