Thứ Ba, 17/12/2024
Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng về bảo vệ môi trường
Ngành chức năng kiểm tra tình hình ô nhiễm môi trường ở huyện Hoài Ân.

Ô nhiễm tràn lan

Theo nhận định của Tỉnh ủy, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quản lý xử lý chất thải chưa tốt, đặc biệt là chất thải rắn, chất thải nguy hại chưa được thu gom, xử lý triệt để; nhiều địa phương chưa có bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh. Ở nông thôn, tỉ lệ thu gom rác mới đạt 20 - 30%.

“Nóng” nhất hiện nay là huyện Hoài Ân, với tình trạng ô nhiễm nặng nề do nghề nuôi heo. Theo Bí thư Huyện ủy Hoài Ân Hoàng Anh Dũng, do giá heo thịt hạ nên tổng đàn heo của huyện từ 260 ngàn con đến nay đã giảm nhanh còn khoảng 220 ngàn con. Người dân nơi đây thực hiện biện pháp giảm đàn rất nguy hại: chọn lọc trong bầy heo con, loại những con ốm yếu, thả rông để tự đói ốm mà chết. “Chưa hết, nước thải, phân heo xả thẳng ra sông. Có nhà cách bờ sông 500 - 600m vẫn lắp ống xả thải ra sông”, ông Dũng cho biết.

Đặc biệt, xác heo chết không được xử lý theo quy định mà vứt bừa bãi ra sông, bốc mùi hôi thối, gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh, khiến huyện Hoài Nhơn cũng “vạ lây”. Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn Phạm Trương cho hay, huyện phải chi gần 200 triệu đồng để xử lý môi trường do heo chết ở Hoài Ân trôi xuống. “Đó là chưa kể nguy cơ đe dọa đến vùng nuôi tôm ở hạ lưu của huyện”, ông Trương lo lắng.  

Để xảy ra tình trạng này, chủ yếu là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về môi trường còn nhiều yếu kém, nhất là trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác BVMT còn hình thức, hiệu quả thấp. Ông Hoàng Anh Dũng thẳng thắn cho rằng, hoạt động của các hội, đoàn thể ở cơ sở còn nặng hình thức quá.

Quy trách nhiệm cụ thể

Nghị quyết của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được xây dựng trên quan điểm BVMT là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của toàn xã hội, vận hành theo cơ chế cấp ủy đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi người dân là chủ thể.

Nghị quyết đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm BVMT; phòng ngừa hạn chế tác động xấu đối với môi trường; quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, tăng cường công tác BVMT; khắc phục các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường. Song song với tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường là đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động BVMT, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chú trọng ứng dụng công nghệ trong hoạt động này.

Giám đốc Sở Công Thương, ông Man Ngọc Lý, cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường, cần quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu trong phê duyệt các dự án đầu tư để xử lý khi có vi phạm. “Cần hạn chế triển khai các dự án nhạy cảm về môi trường nằm ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp”, ông Lý đề đạt.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng cũng nhấn mạnh, người đứng đầu các địa phương, hội, đoàn thể cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo tổ chức tuyên truyền vận động thực hiện các biện pháp BVMT. Đơn cử, huyện Hoài Ân chưa có bãi chôn lấp chất thải tập trung là việc khó chấp nhận; cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích để bà con ủng hộ việc xây dựng bãi chôn lấp chất thải, cũng như thay đổi tập quán sản xuất để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và cộng đồng. Về việc này, Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các sở, ngành cần quan tâm phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Hoài Ân khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề. Về lâu dài, cần khuyến khích thành lập các doanh nghiệp thu gom, xử lý rác thải công nghiệp, rác thải ở khu dân cư. 

Nguyễn Văn Trang

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất