Thứ Ba, 15/10/2024
Vĩnh Phúc: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

 Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Phát triển nông nghiệp VinEco Tam Đảo tiên phong trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trung bình cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn rau/ngày

 

Mới đây, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1914/2021 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư danh mục các dự án khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 (đợt 1).

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đăng tải 7 dự án kêu gọi thu hút đầu tư gồm: Phát triển nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm tại xã Phương Khoan (Sông Lô); sản xuất và chăn nuôi lợn thịt sạch tại thôn Nhật Chiêu 7, xã Liên Châu (Yên Lạc); sản xuất rau an toàn theo chuỗi khép kín trong nhà màng công nghệ Hà Lan theo tiêu chuẩn VietGAP thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo); đầu tư vùng sản xuất rau, quả theo quy trình VietGAP tại Xứ đồng Lá, thôn Ngọc Thạch, xã An Hòa (Tam Dương); sản xuất rau, hoa quả sạch an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP tại Lô 36 khu Cầu Phao, thôn Hiệp Hải, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP thị trấn Lập Thạch (Lập Thạch); ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm ăn cao cấp tại khu đồng Rộc Ngoài, thôn Ngoại Trạch 1, xã Tam Hợp (Bình Xuyên)... với tổng mức đầu tư dự kiến trên 75 tỷ đồng; trong đó mức hỗ trợ đầu tư dự kiến gần 15 tỷ đồng.

Điều này khẳng định, tỉnh luôn quan tâm, dành nguồn kinh phí thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, chất lượng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Xác định DN có vai trò quan trọng kết nối chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã vận dụng linh hoạt những chính sách của Trung ương theo hướng có lợi cho DN và phù hợp với quy định của pháp luật, tạo môi trường pháp lý cho DN hoạt động và phát triển.

Tỉnh ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút tổ chức, cá nhân, DN, Tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Nghị quyết số 202 về chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 87 về chính sách đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 86 về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Đến nay, tỉnh đã có 15 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn; hơn 2.100 DN đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có 141 DN đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 2 DN FDI.

Nắm bắt nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn ngày càng cao của người tiêu dùng, năm 2015, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Phát triển nông nghiệp VinEco Tam Đảo (VinEco Tam Đảo) đã đầu tư hơn 750 tỷ đồng xây dựng nông trường quy mô gần 50 ha.

Năm 2020, VinEco Tam Đảo tiếp tục đầu tư hơn 100 tỷ đồng để hoàn thiện nhà sản xuất nấm sạch hiện đại theo công nghệ Hàn Quốc. Với sự đầu tư bài bản, quy trình sản xuất sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường, tuân thủ nghiêm ngặt các yếu tố đầu vào, các sản phẩm của VinEco Tam Đảo ngày càng đa dạng, đều đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và phân phối đến các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh, hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+ trên toàn quốc.

Năm 2009, Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Đạt, xã Cao Minh (Phúc Yên) mạnh dạn đầu tư, xây dựng chuỗi cung ứng thịt lợn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Trên diện tích 15.000 m2, trang trại chăn nuôi được thiết kế và chia từng khu riêng biệt, khu chăn nuôi rộng hơn 4.000 m2 với bốn dãy chuồng nuôi lợn. Công ty còn đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại có hệ thống làm mát hoạt động theo cơ chế tự động, đảm bảo cung ứng thịt lợn sạch cho người tiêu dùng.

Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty: Để nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, công ty tập trung đổi mới công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế, tổ chức sản xuất theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho sản xuất đến giết mổ, sơ chế, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

UBND tỉnh đang triển khai 2 Chương trình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, gồm xây dựng mô hình thí điểm liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm chuối tiêu hồng tại huyện Yên Lạc và xây dựng các mô hình thí điểm liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm rau quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.

Sự tham gia tích cực của các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã góp phần xây dựng vùng trồng trọt sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP với trên 1.600 ha, trong đó gần 1.000 ha rau an toàn được cấp chứng nhận đủ điều kiện An toàn thực phẩm; gần 700 ha rau sản xuất theo VietGAP; góp phần xây dựng và phát triển hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cải thiện đời sống người dân.

Hằng Nga

 

 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất