Năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Vĩnh Phúc tăng 24 bậc, đứng vị trí thứ 5 trong cả nước.
Sáng 27/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhận Kỷ niệm chương và Giấy Chứng nhận địa phương có chất lượng
điều hành kinh tế xuất sắc Top 10 Việt Nam trong năm 2021 |
Báo cáo PCI 2021 là ấn phẩm thường niên do VCCI xây dựng và phát triển từ năm 2005 đến nay đã qua 17 năm công bố, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm đánh giá môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Chỉ số này được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính (TTHC) tại các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh khác nhau và mức độ hỗ trợ của chính quyền theo đánh giá của các DN dân doanh đang hoạt động tại địa phương.
Cùng với kết quả chỉ số xếp hạng các tỉnh, thành phố thường niên, báo cáo phân tích những chuyển động của môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2021, các lĩnh vực cải thiện và những kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp ( DN) đối với chính quyền các cấp nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Trong bối cảnh năm 2021 với nhiều khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện tích cực. Cải cách TTHC có chuyển biến tích cực về hiệu quả và hiệu lực thực thi tại các địa phương. Cùng với đó, các địa phương cũng nỗ lực phòng, chống tham nhũng để giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho DN.
Khác với thường niên, báo cáo PCI 2021 dành một chương riêng để phân tích những tác động của đại dịch Covid-19 trong năm thứ hai đối với hoạt động của DN và đánh giá triển vọng phục hồi trong bối cảnh bình thường mới của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đó, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa trong giải quyết TTHC trực tuyến, tập trung cải cách các lĩnh vực: Thuế; đất đai; bảo hiểm xã hội; môi trường; xây dựng và quản lý thị trường; xuất nhập khẩu... Các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện cần là trọng tâm cải cách khi “gánh nặng” chi phí tuân thủ đối với DN còn lớn.
Đồng thời, cần triển khai hiệu quả hơn các chương trình hỗ trợ DNNVV cũng như các chương trình hỗ trợ DN hội nhập kinh tế quốc tế. Đánh giá về những thách thức mà các DN phải đối mặt, cách thức ứng phó với dịch Covid-19 và các biện pháp phòng chống dịch do chính quyền địa phương triển khai, đại diện VCCI cho rằng các chính sách trợ giúp DN phục hồi và phát triển sau dịch cần được thiết kế sát với nhu cầu, khả năng phát triển của từng nhóm DN mới có thể phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Theo bảng xếp hạng (PCI) 2021, tỉnh Vĩnh Phúc tăng mạnh (tăng 24 bậc so với năm 2020) ở vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, các chỉ số quan trọng như chi phí thời gian (8.46 điểm), chi phí không chính thức (8.05 điểm), thiết chế pháp lý (7.78 điểm), tiếp cận đất đai (7.56 điểm); cạnh tranh bình đẳng và tính năng động (đều trên 7 điểm), các chỉ số trên của Vĩnh Phúc đều tăng so với bảng xếp hạng năm 2020.
Chỉ số PCI là tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index) - chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Việt Anh