Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương tỉnh Hậu Giang đã quan tâm thực hiện hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn theo tinh thần Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị.
|
Cuộc đối thoại có lãnh đạo tỉnh tham dự và giải quyết khiếu nại của công dân
trên địa bàn huyện Châu Thành A
|
Gặp dân để gỡ khó
Vào tháng 5 năm nay, cuộc đối thoại dân chủ giữa các cấp chính quyền với 168 hộ dân có khiếu nại tại Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân đã diễn ra tại trụ sở UBND xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp. Đây không phải là cách làm mới nhưng cuộc đối thoại đã phần nào nói lên tinh thần cầu thị, lắng nghe, chia sẻ cùng sự cân nhắc và thận trọng cần thiết từ các cơ quan chức năng khi giải quyết vụ việc có liên quan đến quyền lợi của dân.
Những cuộc đối thoại, gặp gỡ như thế có thể do cấp tỉnh, huyện hoặc xã tổ chức nhưng đều có sự tham gia đầy đủ đại diện các ban, ngành, địa phương và mọi công dân đều có quyền bày tỏ ý kiến của mình. Trong quá trình đối thoại, các cấp chính quyền, các ngành chức năng sẽ chủ động giải thích, phân tích chính sách, pháp luật cho người dân hiểu.
Qua đó cho thấy quyền làm chủ của nhân dân luôn được đảm bảo nghiêm túc ở tất cả các cuộc gặp gỡ, đối thoại. Chưa kể, trước khi đưa ra một kết luận giải quyết yêu cầu, khiếu nại, ngoài nghiên cứu tính đúng đắn, phù hợp với quy định pháp luật, các cấp, các ngành còn xem xét đến cái lý, cái tình nên hạn chế được tình trạng người dân khiếu nại kéo dài.
Trong khi tại mỗi cuộc gặp gỡ, đối thoại thời gian qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu đều lưu ý các địa phương trong quá trình giải quyết vụ việc, nếu chưa qua hòa giải, đối thoại với dân thì tổ chức hòa giải, đối thoại. Những vụ việc phức tạp, kéo dài, kết quả giải quyết cuối cùng phải được công khai tại cộng đồng dân cư để người dân cùng giám sát.
Làm tốt công tác tiếp dân
Cùng với quá trình đầu tư, xây dựng các công trình, dự án tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà như: Đường dây 500Kv Long Phú - Ô Môn, bờ kè kênh xáng Xà No, Khu công nghiệp Sông Hậu, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… là công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư với số lượng lớn. Cho nên không thể tránh khỏi phát sinh khiếu nại, tố cáo trong dân.
Ngoài ra, chính sách, pháp luật về đất đai cũng như chính sách đền bù, hỗ trợ có sự thay đổi, còn người dân chưa am hiểu đã gián tiếp làm phát sinh khiếu nại, tố cáo. Trước tình hình đó, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tiếp dân, ghi nhận ý kiến để có biện pháp giải quyết thấu đáo, kịp thời.
Cụ thể hóa tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, nhất là người đứng đầu luôn xem việc gặp gỡ, tiếp dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, là giải pháp thiết thực nhằm tăng cường mối quan hệ, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng đánh giá sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 35, công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của tỉnh được nâng lên. Điều đó thể hiện qua việc đơn, thư khiếu nại của người dân giảm và tỷ lệ giải quyết của các cấp có thẩm quyền tăng lên hàng năm.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng một số cấp ủy, chính quyền có lúc chưa thật sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa tập trung rà soát giải quyết dứt điểm, kịp thời các đơn, thư thuộc thẩm quyền. Ngoài ra, công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm…
Góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, đồng chí Lữ Văn Hùng yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt công tác tiếp dân theo Chỉ thị số 35 và Luật Tiếp công dân.
Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại; đồng thời phải nắm chắc tình hình và tập trung phối hợp, kịp thời giải quyết ngay từ cơ sở khi có các vấn đề bức xúc phát sinh.
Theo Ban Tiếp công dân tỉnh, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 35, toàn tỉnh đã tiếp thường xuyên 14.590 lượt/15.347 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã tiếp định kỳ, đột xuất 11.367 lượt công dân. Qua đó, những bức xúc, kiến nghị của dân đã được ghi nhận và giải quyết đạt hiệu quả cao.
|
(baohaugiang.com.vn)