Thứ Bảy, 4/1/2025
Thừa Thiên Huế cần thực hiện có hiệu quả công tác dân vận chính quyền
 
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế


Ngày 27/8, tại TP. Huế, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh và thực hiện “Năm dân vận chính quyền” trên địa bàn.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương và đánh giá cao những kết quả khá toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong 7 tháng năm 2019. Đây là nền tảng cơ bản để tỉnh hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm nay và những năm tới.

Theo Phó Thủ tướng, Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế về bề dày lịch sử, di sản văn hoá đặc sắc, cần có chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược vào đây để phát triển, gắn với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, bảo tồn các di tích của Huế, giữ vững quốc phòng an ninh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bà con các dân tộc thiểu số khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa của tỉnh, phát động phong trào toàn dân đấu tranh phòng chống tội phạm, chống buôn lậu gian lận thương mại...

Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 48-KL/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế. Xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế có ý nghĩa quan trọng về nhiều mắt đối với miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Về thực hiện “Năm dân vận chính quyền 2019”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân vận chính quyền; đã triển khai nghiêm túc kế hoạch phối hợp giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ và Ban Dân vận Trung ương về “Năm dân vận chính quyền 2019”, trọng tâm là công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là vụ việc khiếu nại tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo từng bước được nâng cao, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh diễn biến không phức tạp, không có điểm nóng. Trong 7 tháng qua, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần ổn định, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ doanh nghiệp, người tiêu dùng...

Bên cạnh những kết quả trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ: Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn tiếp tục diễn ra trên một số địa bàn trọng điểm của tỉnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng chưa được kiểm soát hiệu quả. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt, có lúc, có nơi buông lỏng, thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, dẫn đến vẫn còn các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu ở một số địa bàn.

“Tỉnh cần chú ý không để tội phạm ma tuý phát triển thành băng nhóm, tổ chức xuyên quốc gia, đã và đang để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Đối với tội phạm ‘tín dụng đen’ đe doạ cuộc sống yên lành của người dân, cần phải triệt để đấu tranh, triệt xoá”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương tháng 7/2019 và Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế và Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và cả nhiệm kỳ, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tiếp theo.

Cụ thể, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung phát triển du lịch là ngành trọng tâm mũi nhọn chính của tỉnh. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm. Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý, Thừa Thiên Huế thực hiện có hiệu quả công tác dân vận chính quyền, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Quy định số 11-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại, tiếp dân, giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo kiến nghị của dân ngay từ khi mới phát sinh.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, tập trung rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài; bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự, tạo tiền đề để tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

“Chủ động nắm, phân tích, dự báo sát tình hình an ninh trật tự, kịp thời ban hành các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, không để xảy ra bị động, bất ngờ”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Tổ chức thực hiện hiệu quả chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Nghiêm túc đánh giá tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt nguyên nhân chủ quan, từ đó đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phòng chống các biểu hiện tiêu cực; phân công, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị và cán bộ trực tiếp quản lý địa bàn, lĩnh vực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, có các giải pháp, biện pháp phát hiện, phòng ngừa, xử lý cán bộ, công chức vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.

(dangcongsan.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất