Thứ Sáu, 10/1/2025
Công bố 8 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể các Nghị quyết gồm:

Nghị quyết số 105/2020/QH14 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. Theo đó, năm 2021, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao nhiều nội dung. Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; xem xét các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026… 

Nghị quyết số 112/2020/QH14 bầu giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Theo Nghị quyết, Quốc hội quyết nghị ông Dương Thanh Bình giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.

Nghị quyết số 114/2020/QH14 phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 1995/BC-UBTCNS14 ngày 26/5/2020 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Theo đó, Quốc hội quyết nghị giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Chính sách này áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (doanh nghiệp) bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

Nghị quyết số 117/2020/QH14 về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Quốc hội quyết nghị chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và bổ sung vốn đầu tư không quá 23.461 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Chương trình nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Về kinh phí thực hiện chương trình, Nghị quyết nêu rõ: Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025, tối thiểu là 137.664 tỷ đồng.

Nghị quyết số 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Nghị quyết nhấn mạnh: Những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em có mặt còn chưa hiệu quả. Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, gia đình về phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp chưa thực chất. Mặt trái của kinh tế thị trường, thiếu việc làm, đời sống khó khăn, tác động mặt trái tiêu cực của internet, mạng xã hội... cũng là những nguyên nhân làm phát sinh các vụ, việc xâm hại trẻ em…

Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV số 122/2020/QH14. Nghị quyết nêu rõ: Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thành công tốt đẹp và hoàn thành toàn bộ chương trình với nhiều nội dung được xem xét, quyết định. Theo đó, Quốc hội đã thông qua 10 luật: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Thanh niên; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Quốc hội cũng thông qua 21 nghị quyết trong đó có nhiều Nghị quyết quan trọng.

(quochoi.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất