Thứ Hai, 30/12/2024
Chuyển biến công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước ở Nam Định
 

HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội
tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh.


Phát huy cơ chế dân chủ đại diện, HĐND tỉnh đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Trong đó, HĐND tỉnh chú trọng đổi mới tổ chức các kỳ họp, xem xét, thảo luận đối với các dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình về các dự án đầu tư công, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; triển khai tiếp xúc cử tri trước các kỳ họp của HĐND và Quốc hội; tiếp thu các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh để kiến nghị các cấp, các ngành chức năng xem xét giải quyết.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh thường xuyên giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; chú trọng công tác khảo sát, lấy ý kiến cử tri trước khi ban hành các chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan tới cuộc sống người dân. Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND tỉnh chuyển tới các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết 71 vấn đề cử tri kiến nghị; kết quả đã giải quyết xong 40 vấn đề cử tri kiến nghị; các kiến nghị còn lại đang được khẩn trương giải quyết. Ngoài ra, HĐND tỉnh duy trì thường xuyên mối quan hệ phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua hoạt động phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp…

Cùng với HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chủ đề “Năm dân vận chính quyền” và quy chế dân chủ ở cơ sở; cụ thể hóa chương trình phối hợp trong thực hiện công tác dân vận chính quyền gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh. Qua thực hiện nhiệm vụ, tác phong, thái độ, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện rõ trong việc nêu cao tinh thần trách nhiệm giải quyết công việc, vì nhân dân phục vụ. UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng giải quyết công việc và rút ngắn thời gian giải quyết cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên trục liên thông văn bản quốc gia; thường xuyên cập nhật, nâng cao chất lượng hoạt động của cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định đã sớm thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước; thực hiện việc rà soát, sửa đổi, bổ sung toàn bộ thủ tục hành chính của tỉnh; nghiên cứu ban hành danh mục thủ tục hành chính thực hiện theo hình thức trực tuyến mức độ 3, 4, thủ tục hành chính liên thông. Hiện đã có 17/17 sở, ngành cấp tỉnh; 10/10 UBND huyện, thành phố; 100% cơ quan nhà nước trực thuộc UBND tỉnh có trang, cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin các hoạt động của tỉnh, huyện theo quy định của Trung ương. 100% cơ quan hành chính nhà nước các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” giúp giảm thời gian xử lý công việc, tăng tính công khai, minh bạch đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Kết quả thực hiện cải cách hành chính của tỉnh đã tăng mức hài lòng và sự tín nhiệm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Công tác tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh duy trì thường xuyên, nền nếp theo quy định. UBND các cấp đều xây dựng chương trình hoạt động, trong đó có nội dung tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Lịch tiếp công dân định kỳ theo tháng được gửi đến các sở, ban, ngành và UBND các cấp để thực hiện và niêm yết, thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cấp, các ngành tăng cường công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân, thường xuyên rà soát, phân loại để giải quyết theo thẩm quyền, nhất là những vụ việc tồn đọng. Hàng năm, đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân cho cán bộ lãnh đạo các huyện, thành phố và các sở, ngành cấp tỉnh; chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho lãnh đạo, công chức các phòng chuyên môn của huyện, lãnh đạo, cán bộ tiếp dân của UBND các xã, phường, thị trấn. Chính quyền các cấp, thủ trưởng các địa phương, đơn vị đã thực hiện tốt công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân và nhân dân. Thông qua hoạt động đối thoại, tiếp dân và hòa giải cơ sở, các cấp, các ngành đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của công dân để xem xét, giải quyết đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; đồng thời hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định pháp luật, qua đó, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp. Năm 2021, toàn tỉnh đã tiếp gần 4.000 lượt công dân; thực hiện hòa giải trên 600 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 70%.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước đã giúp đổi mới phong cách, lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị; góp phần quan trọng trong phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tăng cường đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự quản lý của chính quyền các cấp./.

(baonamdinh.vn) 

Gửi cho bạn bè