Thứ Năm, 28/11/2024
Khai mạc phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội



Tham dự phiên họp còn có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Về phía khách mời có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện lãnh đạo ban, ngành, tổ chức hữu quan.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tiến hành phiên họp thường kỳ lần thứ 05 để cho ý kiến và quyết định một số nội dung.

Thứ nhất, về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung hai dự án Luật vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội trong năm 2022 gồm có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện và dự án Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi).

Hai dự án Luật này đều nằm danh mục các nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp theo Kết luận số 19/KL-TW của Bộ Chính trị và đề án của Đảng đoàn Quốc hội phê duyệt. Trong đó, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất theo đề nghị của Chính phủ từ Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan nên dự án Luật chưa được xem xét trong khóa XIV. Hơn nữa, tại Nghị quyết của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết về Kinh tế - xã hội, Nghị quyết về Chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội yêu cầu sớm xem xét sửa đổi, bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh cùng với một số luật khác liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sự cần thiết để bổ sung hai dự án Luật này, dự kiến về những nội dung chính sách lớn, khắc phục tình trạng khi xây dựng Chương trình Xây dựng Luật, Pháp lệnh đưa vào xem xét mà chưa coi trọng đến các chính sách.

Nhấn mạnh với tinh thần siết chặt kỷ luật, kỷ cương xây dựng pháp luật, đã đưa vào danh mục phải chuẩn bị kỹ lưỡng, khắc phục tình trạng đưa vào đưa ra khỏi Chương trình Xây dựng Luật, Pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sự cần thiết, xem xét nội dung chính sách lớn Chính phủ đề xuất đã đầy đủ, phù hợp hay chưa? Nhất là trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh vừa qua bộc lộ một số vấn đề phải sửa đổi bổ sung trong luật.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là Hiệp định toàn diện về bảo hiểm xã hội song phương đầu tiên của Việt Nam, được Chính phủ hai nước bắt đầu đàm phán từ năm 2015 và đã thống nhất được nhiều nội dung lớn. Việc ký kết Hiệp định này nhằm tránh tình trạng đóng bảo hiểm xã hội 2 lần và bảo đảm tối ưu hóa quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động làm việc tại hai quốc gia. Bởi hiện nay, số lượng lao động của Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc và người Hàn Quốc sinh sống, làm việc tại Việt Nam rất đông, ngày càng tăng lên trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Tại phiên họp lần này, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về 02 nội dung trong Hiệp định nhưng chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ tài liệu để cho ý kiến, từ đó thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định phục vụ cho hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian tới. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét về dự thảo Nghị quyết về giải thích một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm tạo cơ sở để các cơ quan thực hiện đúng, đầy đủ cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác toàn diện diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về việc xử lý hình sự và áp dụng hình phạt đối với một số hành vi vi phạm liên quan đến bí mật kinh doanh, phù hợp với điều kiện cụ thể và lộ trình cam kết của Việt Nam.

Thứ hai, về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật là một trong những hoạt động giám sát quan trọng của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Việc này cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Hiện công tác này được Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chú trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Sau phiên họp tháng 9/2020, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, báo cáo tổng hợp kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban để có góc nhìn tổng thể về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Trên cơ sở đó, nghiên cứu giải pháp để xử lý những văn bản có nội dung sai hoặc chưa rõ ràng, cách hiểu và áp dụng không thống nhất đã được phát hiện... để có phương án giải quyết, nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý. trong quá trình chuẩn bị, yêu cầu các cơ quan giám sát phải tỏ rõ chính kiến về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, trước thực trạng chậm ban hành văn bản còn có văn bản là trái với quy định của pháp luật. Năm qua, qua rà soát, Bộ Tư pháp đã phải hủy bỏ hoặc thu hồi đối với 69 văn bản ban hành trái quy định của pháp luật. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm ở đâu? Trách nhiệm của tổ chức, tập thể, cá nhân nào? Với tinh thần đổi mới công tác giám sát, khắc phục tình trạng báo cáo chung chung, rút kinh nghiệm chung chung, các cơ quan phải chỉ rõ địa chỉ, biểu dương những việc tốt, đồng thời nêu đích danh những nơi chậm sửa đổi, chậm khắc phục tồn tại, hạn chế, nơi nào ban hành không đúng thẩm quyền, vượt thẩm quyền, trái pháp luật... Nhấn mạnh, vướng mắc về thể chế chính là ở đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu dành thời gian thích đáng để thảo luận vấn đề này. Trong đó, trách nhiệm chính của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội trong thực hiện giám sát.

Trên báo cáo tình hình thực hiện chi phí quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2019 - 2021 và quyết định mức chi phí quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2022 – 2024, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét kỹ lưỡng để quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội trong giai đoạn 2022 – 2024 và các vấn đề trước mắt cũng như về lâu dài có liên quan đến việc quản lý và sử dụng Quỹ.

Chủ tịch Quốc hội làm rõ, ở đây đặt ra vấn đề trước mắt, lâu dài và cần quyết định sớm để cho bảo hiểm xã hội, các tổ chức, các cơ quan liên quan tổ chức triển khai. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ đã nhiều lần giải thích với Nhân dân rằng đây không chỉ là chi phí quản lý mà là chi phí tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong đó chi phí đầu tư chiếm tỷ trọng nhỏ. Do đó, đồng thời với việc xem xét kỹ lưỡng vấn đề này cũng cần phải làm tốt công tác truyền thông để cử tri và Nhân dân hiểu. Trong bối cảnh cả nước đang phải tiết kiệm chi thường xuyên, một mặt giao nhiệm vụ tiết kiệm, mặt khác phải đảm bảo chi phí tối thiểu và cần thiết cho tổ chức hoạt động, phân bổ nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ ngày càng tăng lên của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có đầu tư tăng cường năng lực về công nghệ thông tin và các cơ sở hạ tầng khác.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tới đây cần phải nghiên cứu để thay đổi cách quyết định chi phí xây dựng cơ bản, phải có đề án riêng về đầu tư cơ sở vật chất cho cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tiến tới cải cách tiền lương thì các vấn đề chi phí quản lý của Bảo hiểm xã hội phải đặt ra lộ trình.

Kỳ họp bất thường chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách và đột xuất

Về tiến hành tổng kết Kỳ họp thứ 2, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trên cơ sở kinh nghiệm rút ra những bài học quý, những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, của cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để có sự chuẩn bị sơ bộ cho Kỳ họp thường kỳ vào tháng 5/2022. Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến ngay từ bây giờ, đồng thời rà soát để cho ý kiến việc tổ chức một Kỳ họp bất thường.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Kỳ họp bất thường chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách và đột xuất, cấp thiết cho quốc kế dân sinh và đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Do đó, nhiều nhất chỉ có 5 nội dung đã thống nhất với Chính phủ và cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, với sự tích cực, cố gắng của các cơ quan trình và cơ quan thẩm tra, sự vào cuộc từ sớm, từ xa và trách nhiệm đối với đất nước. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản trả lời, cho ý kiến chính thức; làm rõ thẩm quyền quyết định các nội dung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc tổ chức Kỳ họp bất thường đến nay chưa có quyết định chính thức mà phụ thuộc vào công tác chuẩn bị. 

Về xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 10 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc này đã có nền nếp và nằm trong lộ trình để tổ chức thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội về vấn đề này. Nêu rõ, thời gian không nhiều nhưng khối lượng rất lớn và quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung nghiên cứu, cho ý kiến sâu sắc và kỹ lưỡng. Sau khi kết thúc mỗi nội dung, Thường trực các Ủy ban liên quan khẩn trương phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội để hoàn thiện dự thảo, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kết luận hoặc ban hành Nghị quyết theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo tình hình thực hiện chi phí quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2019 - 2021 và quyết định mức chi phí quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2022 - 2024./.

(quochoi.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất