Thứ Hai, 30/12/2024
Hà Nội: Đưa chính quyền đến gần dân, sát cơ sở
 

Lực lượng chức năng quận Hoàng Mai hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc để giải phóng mặt bằng
cho dự án xây dựng đường 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A


Đầu tháng 11, lực lượng chức năng quận Hoàng Mai đã tiến hành giải phóng mặt bằng đối với 13 hộ dân trên địa bàn phường Định Công, nằm trong phạm vi dự án xây dựng đường 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A. Theo kế hoạch, các hộ này sẽ phải thực hiện cưỡng chế. Tuy nhiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Định Công Nguyễn Anh Tuấn cho biết, vào những ngày cuối cùng, sau khi được vận động, tuyên truyền, các hộ dân đã tự nguyện bàn giao mặt bằng, cho nên chính quyền phường không phải tiến hành cưỡng chế.

Hiệu quả từ thực tiễn

Nhận thức rõ hiệu quả của công tác dân vận chính quyền, nhất là trong giải phóng mặt bằng, quận Long Biên cũng tận dụng triệt để khi triển khai các dự án. Các ngành, đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền với các phần việc rất cụ thể. Nhờ đó, chín tháng năm 2021, quận Long Biên đã phê duyệt 499 phương án giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 23,6 ha, số tiền bồi thường, hỗ trợ là 289 tỷ đồng và không phải tổ chức cưỡng chế bất cứ trường hợp nào.

Đây là hai trong số rất nhiều thí dụ minh họa cụ thể về công tác dân vận chính quyền trên nhiều lĩnh vực của thành phố Hà Nội thời gian qua. Theo Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Lê Hồng Sơn, công tác dân vận chính quyền đã bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, thái độ phục vụ nhân dân từng bước được nâng lên, chuyển biến rõ rệt. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, thái độ phục vụ nhân dân. Tính đến giữa năm 2021, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 hiện đang cung cấp cho người dân, doanh nghiệp là 1.685 dịch vụ. Trong đó, 1.217 dịch vụ công mức độ 3 và 468 dịch vụ công mức độ 4. Công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện theo đúng quy định, việc đối thoại với nhân dân được thực hiện có nền nếp, chất lượng, hiệu quả đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền thành phố.

Tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Tuy nhiên, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản thẳng thắn cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cũng cho thấy, công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp thuộc thành phố vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận ở một số cơ quan, đơn vị hiệu quả chưa cao. Ý thức, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Công tác nắm tình hình tư tưởng dư luận nhân dân, tiếp dân, đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan nhà nước với nhân dân chưa được quan tâm đúng mức. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) chưa có nhiều cải thiện.

Nguyên nhân của những hạn chế là do một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận đối với cơ quan nhà nước, dẫn đến thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ về quan điểm “xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”…

Đây cũng chính là căn cứ để Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 1/10/2021 về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy cần tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan nhà nước tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác hằng năm, gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và chức trách của cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp thực hiện công khai, dân chủ trong quản lý, điều hành; tiếp tục cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; quan tâm xây dựng các quy chế thực hiện dân chủ trong loại hình mới gắn với việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu: “Thành phố phải đưa việc thực hiện công tác dân vận chính quyền là tiêu chí quan trọng trong đánh giá thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cá nhân”. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp nắm chắc tình hình, vận động nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện công tác dân vận của các cơ quan nhà nước.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phúc Thọ Đoàn Tuấn Anh, việc thực hiện Chỉ thị số 07 là giải pháp quan trọng thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Thời gian tới, huyện Phúc Thọ tiếp tục tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; gắn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và chức trách của mỗi cán bộ, công chức, viên chức.

(nhandan.vn) 


Gửi cho bạn bè