Thường vụ Đảng ủy, Bộ chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh đặt lên hàng đầu đó là công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành; cán bộ, chiến sỹ LLVT và nhân dân đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng nền QPTD, thế trận lòng dân. Phát huy tốt vai trò của cấp ủy và đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật Nhà nước, Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh về lực lượng Dự bị động viên. Phối hợp tham mưu chỉ đạo làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng, tập trung vào những nội dung cơ bản về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh… Trong 5 năm qua (từ 2017-2021) thông qua các đợt hành quân dã ngoại đã tổ chức 1.376 buổi/135.304 người dân; phối hợp mở 1.535lớp/125.750 lượt người bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (trong đó có 21 lớp/1.343 chức sắc, chức việc tôn giáo).
Tham gia xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở địa phương, trong 5 năm qua Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp tham mưu củng cố, kiện toàn 158 lượt tổ chức đảng ở cơ sở. Phát hiện, giới thiệu 2.638 đoàn viên ưu tú (thanh niên chuẩn bị nhập ngũ và dân quân, tự vệ) bồi dưỡng đối tượng đảng, phối hợp giới thiệu cho cấp ủy địa phương kết nạp 1.243 đảng viên là dân quân tự vệ, trong đó 197 đảng viên là người dân tộc thiểu số; tuyển chọn 135 đồng chí (trong đó có 03 là giáo dân) đi đào tạo Chỉ huy trưởng Quân sự xã, phường, thị trấn; tỷ lệ đảng viên trong dân quân tự vệ (DQTV) đạt 26,8%.
Công tác xây đội ngũ cán bộ quân sự cơ sở thường xuyện được chăm lo chú trọng; đã phối hợp tham mưu, chỉ đạo góp phần tổ chức cuộc thành công bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Nhận thức sâu sắc “thế trận lòng dân” là nội dung cốt lõi trong xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền QPTD, ngoài thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, trong 5 năm qua Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng, nhân rộng 275 mô hình dân vận khéo, hành quân dã ngoại đến 274 lượt xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo (57 lượt xã vùng có đạo); đóng góp hơn 175 nghìn ngày công, hỗ trợ 2.575 tấn xi măng, đào đắp, sửa chữa hàng trăm km đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, tu sửa, nâng cấp trạm y tế xã, trường tiểu học... Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng vũ trang xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà tình thương, tặng hơn 40.250 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó, các gia đình chính sách, gia đình đặc biệt khó khăn, tổng trị giá 36,298 tỷ đồng. Phát huy tốt các mô hình “giúp xã nghèo miền Tây” của tỉnh, “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo”... với hơn 55 nghìn lượt cán bộ chiến sỹ xả thân trong mưa nguồn, bão biển, trong khói lửa để cứu người, cứu tài sản của dân đã góp phần tô thắm thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tăng cường niềm tin của nhân dân với LLVT, cấp ủy, chính quyền địa phương.
Phát huy hiệu quả công tác dân vận, sức mạnh toàn dân xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh, trong những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã “dựa chắc vào dân”, phát huy được sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sơ và các tầng lớp nhân dân để xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh, theo phương châm “tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Theo đó, tham mưu xây dựng lực lượng DQTV theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp” đúng quy định Thông tư 33/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng; được hưởng chế độ, chính sách theo Luật DQTV và Nghị quyết 54/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Việc đăng ký độ tuổi, xét tuyển, kết nạp mới, huấn luyện và công nhận hoàn thành nghĩa vụ DQTV hằng năm được thực hiện đúng kế hoạch, quản lý khoa học; công tác xây dựng lực lượng DQTV thường trực và trong doanh nghiệp được coi trọng. Đến nay, DQTV của tỉnh có chất lượng chính trị, độ tin cậy, uy tín cao, đạt 1,4% dân số, có 26,8% là đảng viên. Lực lượng thường trực thường xuyên kiện toàn tổ chức biên chế, duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp xây dựng chính quy, nhất là chế độ sẵn sàng chiến đấu, trực chỉ huy, trực ban; tích cực đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ. Từ năm 2017-2021, phối hợp tuyên truyền vận động hơn 17.604 thanh niên Nghệ An nhập ngũ vào các đơn vị quân đội, công an, đạt 100% chỉ tiêu. LLVT luôn chủ động, sẵn sàng đối phó thắng lợi mọi tình huống có thể xảy ra.
Vận động phát huy sức mạnh của toàn dân trong thực hiện các biện pháp nắm tình hình, ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. LLVT tỉnh nắm và làm chủ địa bàn, với phương châm gần dân, không có khoảng cách, dù địa bàn khó khăn, phức tạp đến đâu, bằng các hình thức, phương pháp dân vận hướng về cơ sở, vào được địa bàn, đến được với nhân dân. Ngoài ra, các hoạt động giao lưu ký kết kết nghĩa (tham mưu hội nghị ký kết kết nghĩa giữa 12 đơn vị quân đội với 12 địa phương; Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh ký kết nghĩa với 6 hội phụ nữ vùng giáo; Đoàn thanh niên ký kết nghĩa Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng... ) đã góp phần nắm và giữ được dân, được địa bàn.
Trong thời gian tới, gắn công tác dân vận với xây dựng thế trận lòng dân trong tình hình mới, tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục quán triệt quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn đảng, toàn dân và toàn quân; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới.
Hai là, luôn quán triệt và nắm chắc mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nền QPTD trong thời kỳ mới; đó là Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; chủ động đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Ba là, nhận thức rõ xây dựng nền QPTD là xây dựng các tiềm lực và đây cũng là nhân tố quyết định sự vững mạnh, sức mạnh của nền quốc phòng. Mỗi tiềm lực có vai trò, vị trí quan trọng riêng, vì thế không được xem nhẹ bất cứ tiềm lực nào. Trong đó tiềm lực chính trị - tinh thần là cơ sở; tiềm lực kinh tế là nền tảng, tiềm lực quân sự - an ninh là cốt lõi; tham mưu xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện cần phải dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng đặc điểm tình hình, phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương và đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Bốn là, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có số lượng hợp lý, có sức chiến đấu cao, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp…”
Năm là, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để củng cố, xây dựng thế trận lòng dân, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, vững chắc, dựa vào dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương, trong đó xây dựng thế trận lòng dân phải luôn đặt lên vị trí hàng đầu./.
Nguyễn Mạnh Khôi