Xác định thực hiện QCDC là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo đổi mới nội dung và hình thức trong công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; ban hành Chỉ thị số 05, ngày 27/4/2016 cụ thể hóa triển khai thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện QCDC trong các loại hình. Đồng thời, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC từ tỉnh đến cơ sở; thường xuyên kiện toàn, phân công nhiệm vụ phụ trách theo địa bàn, lĩnh vực cho các thành viên; hằng năm đều chủ động xây dựng chương trình hoạt động, hướng dẫn đánh giá các tiêu chí và mô hình điển hình về thực hiện QCDC để triển khai tới từng loại hình cơ sở.
|
Người dân xã Tân Dân (TP Hạ Long) theo dõi thông tin về chủ trương, chính sách
của tỉnh trên bảng niêm yết công khai đặt tại trụ sở UBND
|
Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tất cả những vấn đề có liên quan đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp được niêm yết, công khai bằng nhiều hình thức, tạo điều kiện cho người dân biết, tham gia đóng góp ý kiến và triển khai thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp quan tâm chỉ đạo, đã triển khai thực hiện gần 1.300 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác xây dựng, thực hiện QCDC ở cơ sở.
HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động, phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện và mở rộng dân chủ trực tiếp; hơn 6 năm qua đã ban hành hàng trăm nghị quyết, tổ chức thực hiện gần 100 cuộc giám sát chuyên đề, giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri và 97 cuộc giám sát, khảo sát thường xuyên, không báo trước về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề được dư luận, cử tri và nhân dân quan tâm. UBND các cấp đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện QCDC ở cơ sở, gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, đô thị; tổ chức điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đối thoại, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, những vấn đề bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, Quảng Ninh là địa phương thực hiện tốt dân chủ trong tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp; tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 trên địa bàn và là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện đồng loạt bầu trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022 - 2025.
Việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn (theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11) nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Các xã, phường, thị trấn đã tổ chức niêm yết các nội dung công khai theo đúng quy định; tổ chức tuyên truyền, duy trì các cuộc họp thôn, bản, khu phố bằng hình thức phù hợp để nhân dân tham gia bàn và quyết định trực tiếp các nội dung đảm bảo dân chủ như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các đề án trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhà văn hóa, quy hoạch sử dụng đất, việc thu và quản lý sử dụng các loại quỹ, các khoản huy động nhân dân đóng góp, chính sách hỗ trợ cho nhân dân…
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện lấy ý kiến đồng thuận của nhân dân trong giải phóng mặt bằng các công trình, dự án động lực của tỉnh, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long, hệ thống đường cao tốc nối dài từ Hải Phòng - Hạ Long; Hạ Long - Vân Đồn và Vân Đồn - Móng Cái; Đề án sáp nhập: 01 đơn vị hành chính cấp huyện (huyện Hoành Bồ sáp nhập và thành phố Hạ Long), 16 đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập đổi tên 91 thôn, bản, khu phố... Quá trình sát nhập đã đảm bảo đúng quy trình dân chủ từ khâu xây dựng đề án, phương án sáp nhập, tổ chức nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lấy ý kiến của người dân, tuyên truyền nâng cao nhận thức rõ lợi ích của việc sắp xếp lại thôn, bản, khu phố. Do vậy, việc triển khai sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của người dân.
Hoạt động chính quyền cơ sở trong thực hiện QCDC luôn được chủ động, đã tích cực trong việc đối thoại và lắng nghe ý kiến, kiến nghị để tập trung giải quyết tốt những nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; định kỳ hằng tháng, quý duy trì thường xuyên tổ chức hội nghị gặp mặt, giao ban giữa cấp ủy, chính quyền với đội ngũ bí thư chi bộ; trưởng thôn, khu; trưởng ban công tác mặt trận thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh... Phát huy vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trực tiếp giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, quyền khiếu nại, tố cáo được phát huy. Hơn 6 năm qua, các Ban đã giám sát trên 3.200 cuộc, phát hiện và kiến nghị trên 700 vụ việc có sai phạm; tiến hành xác minh trên 350 vụ việc, đề nghị cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời, thỏa đáng.
Việc thực hiện QCDC trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh được triển khai nghiêm túc. Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; duy trì chế độ họp giao ban theo định kỳ; thường xuyên lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, công chức, viên chức; chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định. Phối hợp với Công đoàn tổ chức tốt Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo các nội dung, thời gian theo đúng quy định của pháp luật
Việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trong các cơ quan hành chính nhà nước luôn gắn liền với chương trình cải cách hành chính. Với sự vận hành hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 13/13 Trung tâm Hành chính công cấp huyện và 177/177 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đã thực hiện tốt việc công khai, minh bạch từ khâu tiếp nhận, giải quyết đến trả kết quả cho tổ chức, công dân; tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn, trước hạn và mức độ đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc giải quyeất các thủ tục hành chính luôn đạt trên 99%; các hồ sơ quá hạn hầu hết đều có thư xin lỗi đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp, qua đây đã góp phần nâng cao các chỉ số đánh giá trong các lĩnh vực cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc theo Nghị định số 149/2018/NĐ-CP và nay là Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ được các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc. Các doanh nghiệp đều ban hành QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; xây dựng đầy đủ các loại nội quy, quy chế, quy định liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thực hiện tốt các nội dung công khai để người lao động biết, tham gia ý kiến và được kiểm tra, giám sát theo quy định; định kỳ tổ chức Hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải đáp các vướng mắc, bức xúc, các kiến nghị của công nhân lao động. Toàn tỉnh đã có 674/1.061 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể (đạt 63,5%); toàn tỉnh có 02 thỏa ước lao động tập thể nhóm được thương lượng, ký kết, đây là các thỏa ước lao động tập thể nhóm được ký kết đầu tiên trong cả nước. Thông qua hội nghị người lao động và đối thoại nơi làm việc các ý kiến, đề xuất về các điều kiện, phương tiện, môi trường lao động, các chế độ chính sách đều được chủ doanh nghiệp tiếp thu, giải trình, giải quyết tại hội nghị.
Có thể khẳng định, những năm qua việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được triển khai bài bản, đáp ứng được yêu cầu của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa trong các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân được nâng lên rõ rệt; nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã nêu cao vai trò trách nhiệm trong triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở; thực hiện đầy đủ các nội dung, quy trình, trách nhiệm, phương pháp, hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của người dân ở cơ sở. Quan hệ giữa thủ trưởng cơ quan với cán bộ, công chức viên chức, giữa cán bộ với người dân, giữa người sử dụng lao động với người lao động bình đẳng, dân chủ, cởi mở, thân thiện và gần gũi hơn; đội ngũ cán bộ, công chức viên chức ngày càng thấm nhuần tư tưởng "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân"; khắc phục tệ nạn quan liêu, tham nhũng, hách dịch, cửa quyền của một bộ phận cán bộ, công chức viên chức...
Từ thực tiễn triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh Quảng Ninh đã cho thấy rõ: Ở đâu làm tốt QCDC, ở đó sẽ giảm bớt bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân; ở đâu làm tốt QCDC, ở đó sẽ đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; ở đâu làm tốt QCDC, ở đó sẽ tạo được sự đoàn kết, thống nhất, huy động được nội lực, sức mạnh tổng hợp của nhân dân, tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và trong nhân dân, qua đó ngày càng củng cố và nhân lên niềm tin của nhân dân đối với Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh./.
Nguyễn Danh Văn
Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh