Phát triển, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) là một
trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhờ
thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cùng với sự vào cuộc tích cực của
cả hệ thống chính trị, việc làm đường GTNT đã thu hút sự tham gia, đóng
góp công sức, tiền của của, nhất là việc hiến đất làm đường của đông đảo
nhân dân nên nhiều con đường được hình thành từ chính sức dân.
Về thôn Vẽn (xã Định Trung, thành phố
Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) hôm nay, đi trên con đường thôn được đổ bê tông khang trang,
rộng rãi, ít ai biết rằng, con đường này trước đây nhỏ hẹp, xuống cấp,
việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chương trình xây
dựng NTM, UBND xã Định Trung có chủ trương mở rộng, nâng cấp một số
tuyến đường GTNT, trong đó có con đường vào thôn Vẽn. Xác định để mở
rộng đường, khó khăn nhất là vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, chính
quyền xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã, thôn tổ chức tuyên
truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây
dựng NTM, xây dựng GTNT tới từng hộ dân thông qua các buổi sinh hoạt
đoàn thể, họp thôn… Qua đó, giúp người dân trong thôn hiểu được việc mở
rộng, kiên cố tuyến đường thôn là “Do dân, vì dân”, mang lại lợi ích
thiết thực cho người dân. Từ đó, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất,
chặt bỏ cây cối, dỡ bỏ tường rào… để mở rộng đường theo đúng kế hoạch.
Ông Nguyễn Tùng Bách, một trong những hộ dân tiên phong trong hiến đất
làm đường thôn Vẽn cho biết: “Ngay sau khi được cán bộ xã, thôn tuyên
truyền, tôi nhận thức được rằng, việc làm đường là cần thiết và đem lại
lợi ích thiết thực, lâu dài cho bà con trong thôn cũng như chính gia
đình tôi. Do đó, tôi đã vận động vợ và các con tự nguyện hiến gần 40m2
đất, chủ động chặt bỏ cây cảnh, phá tường ngăn…để làm đường. Giờ đây,
mỗi lần đi trên con đường mới khang trang, rộng rãi, xe ô tô đi vào tận
cổng mỗi nhà, các cháu đi lại học hành, vui chơi dễ dàng, bà con làng
xóm đi lại, sinh hoạt thuận tiện hơn… tôi thấy rất vui vì mình đã góp
một phần nhỏ bé vào việc xây dựng con đường”.
Cũng như gia đình ông Bách, ngay sau khi được chính quyền địa phương
tuyên truyền, vận động, nhận thức được vai trò cũng như lợi ích mà
chương trình xây dựng NTM mang lại, ông Phạm Văn Tâm (thôn Bảo Thắng, xã
Hợp Châu, huyện Tam Đảo) đã cùng với gia đình hiến 164m2 đất thổ cư cho
địa phương để mở đường giao thông liên thôn, phá hơn 80m tường rào xây
kiên cố và chặt bỏ hàng chục cây ăn quả có giá trị được trồng từ nhiều
năm nay. Ông chia sẻ: “Sau khi được nghe cán bộ xã, thôn tuyên truyền,
tôi hiểu rằng, xây dựng NTM là một chương trình lớn của cả nước và mục
đích lớn nhất của chương trình chính là làm thay đổi diện mạo của nông
thôn và nâng cao đời sống cho những người nông dân như chúng tôi. Việc
làm của tôi không chỉ vì lợi ích chung của mọi người và trong lợi ích
chung đó có cả lợi ích của gia đình chúng tôi”.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bên cạnh nguồn lực đầu
tư của Nhà nước, trong quá trình xây dựng NTM tại tỉnh ta nói chung,
xây dựng đường GTNT nói riêng, công tác tuyên truyền, vận động luôn được
các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương của tỉnh triển khai thường xuyên
thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức,
huy động sự đóng góp, ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân. Theo đó, tất cả
các xã trước khi triển khai làm các tuyến đường GTNT đều tổ chức hội
nghị tuyên truyền, quán triệt đưa nội dung, kế hoạch làm đường GTNT về
các thôn họp bàn, để nhân dân đóng góp ý kiến; kế hoạch làm đường cũng
được triển khai đến từng thôn, xóm để cán bộ, đảng viên các thôn vận
động nhân dân giải phóng mặt bằng và đóng góp kinh phí thực hiện công
trình ngay sau khi nhận chỉ tiêu được giao. Hệ thống đài phát thanh các
huyện, xã thường xuyên truyền tải nội dung, thông tin về Chương trình
xây dựng NTM; các cơ quan truyền thông của tỉnh tăng thời lượng, mở
chuyên trang, chuyên mục, phổ biến các mô hình hay, cách làm sáng tạo
trong thực hiện phong trào xây dựng NTM, xây dựng đường GTNT; kịp thời
biểu dương và nhân rộng điển hình gương người tốt, việc tốt tại các địa
phương trong tỉnh. Ngoài ra, các hình thức tuyên truyền khác như: Treo
băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích, phát tờ gấp, tài liệu... được triển
khai thường xuyên ở tất cả các địa phương. Các tổ chức chính trị - xã
hội và đoàn thể các cấp cũng làm tốt công tác tuyên truyền trong cán bộ,
hội viên để mọi người hiểu rõ mục đích, ý nghĩa cũng như nhiệm vụ thực
hiện phong trào làm đường GTNT gắn với xây dựng NTM; phát huy mạnh mẽ
vai trò hội viên trong việc vận động gia đình, người thân và cộng đồng
dân cư tích cực hiến đất, đóng góp ngày công, vật liệu, tiền để xây dựng
đường. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của đông đảo cán
bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, giúp mọi người hiểu rõ mục đích,
yêu cầu, vai trò của mình trong xây dựng đường GTNT; nhận thức được việc
làm đường GTNT là phục vụ lợi ích của chính mình. Từ đó, nhiều hộ dân
đã tự nguyện hiến đất, hoa màu, di dời nhà cửa, hàng rào, phát hoang bụi
rậm, đóng góp kinh phí, ngày công lao động,… để cùng chính quyền địa
phương mở rộng, bê tông hóa các tuyến đường GTNT. Đáng chú ý, trong số
những hộ hiến đất làm đường còn có những hộ là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh
khó khăn nhưng khi được vận động cũng tự nguyện hiến đất với tổng trị
giá ước tính lên đến hàng trăm triệu đồng mà không đòi hỏi bất kỳ một sự
đền bù nào.
Bên cạnh đó, việc huy
động sự đóng góp của nhân dân làm đường GTNT tại các địa phương được
tiến hành công khai, minh bạch; đảm bảo phát huy vai trò làm chủ của
nhân dân, người dân được chủ động chọn nhà thầu uy tín, tham gia giám
sát thi công, đảm bảo chất lượng công trình … giúp nhân dân tin tưởng
vào đồng vốn đã bỏ ra, hăng hái và có trách nhiệm hơn trong thi công và
duy tu, quản lý tuyến đường do chính mình làm ra. Theo thống kê của Ban
Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM tỉnh, đến nay, nhân dân
trong tỉnh đã hiến gần 600 nghìn m2 đất để mở rộng đường giao thông nông
thôn và xây dựng các công trình công cộng, ngoài ra, nhân dân còn đóng
góp trên 110 nghìn ngày công lao động; trên 1.500 tỷ đồng,… cho xây dựng
NTM ở các địa phương. Nhờ đó, toàn tỉnh đã cứng hóa được 100% đường
liên xã; 1.119,8 km (86,8%) đường trục xã; 1.364,7 km (81,1%) đường trục
thôn, ngõ, xóm; 370,3 km (34,9%) đường trục chính giao thông nội đồng.
Nguồn: baovinhphuc.com.vn/ Lê Mơ, ngày 26/8/2015