Sức mạnh của LLVT bắt nguồn từ lòng dân, từ sức mạnh chở che, đùm bọc
của nhân dân. Việc giúp dân còn là một cử chỉ ân nghĩa, thủy chung-một
nét đẹp văn hóa truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ. Suy nghĩ đó đã thấm sâu
vào tình cảm, trách nhiệm và thể hiện sinh động trong những việc làm
giúp dân của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Vĩnh Phúc.
Về thăm Vĩnh Phúc, quê hương của “cha đẻ
khoán hộ” Kim Ngọc và Anh hùng Nguyễn Viết Xuân, chúng tôi được nghe
nhiều người dân nói về tình cảm của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Vĩnh Phúc
dành cho bà con địa phương nơi đây.
Mẹ Nguyễn Thị Mứt, 88 tuổi, hiện cư trú
tại phố Đồng Nhân, phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên chia sẻ với chúng tôi
rằng, hơn một năm nay, mẹ được sống trong một căn nhà mới khang trang
với diện tích gần 90m2, có đầy đủ tiện nghi, đồ dùng sinh hoạt tiện lợi
nhờ phần lớn công lao giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa
phương, nhất là có sự hỗ trợ kịp thời, chu đáo của cán bộ, chiến sĩ Ban
CHQS TP Vĩnh Yên. Mẹ Mứt chia sẻ: “Mỗi lần thấy các anh bộ đội đến nhà
động viên, thăm hỏi, tặng quà, khám sức khỏe, mẹ cảm thấy căn nhà ấm
cúng hẳn lên. Hai con trai mẹ ở nơi suối vàng chắc cũng yên lòng vì có
những đồng đội luôn làm những việc ân nghĩa cho dân, cho nước”.
Nói về chuyện dân vận trên địa bàn, Trung
tá Trần Tú Anh, Chính trị viên phó Ban CHQS TP Vĩnh Yên đã kể lại cho
chúng tôi việc vận động người dân cùng tham gia di chuyển Nghĩa trang
liệt sĩ phường Tích Sơn sang địa điểm mới vào giữa năm ngoái. Chuyện mồ
mả là chuyện tâm linh nhạy cảm. Vì vậy, mới thoạt nghe chủ trương này,
không phải thân nhân và gia đình liệt sĩ nào cũng ủng hộ, chấp thuận
ngay. Thấu hiểu nỗi lòng sâu xa đó của người dân, Ban CHQS thành phố đã
trực tiếp cử một số cán bộ uy tín, có khả năng giao tiếp, thuyết phục
tốt để đến từng nhà dân vận động bà con tin tưởng, tự giác chấp hành chủ
trương của chính quyền địa phương. Trung tá Trần Tú Anh cho biết: “Các
cán bộ đi làm công tác dân vận đã thể hiện thái độ mềm mỏng, phân tích
thấu đáo về việc di chuyển nghĩa trang để phục vụ lợi ích chung của địa
phương, nên đã thuyết phục được 100% gia đình liệt sĩ ủng hộ việc làm
này”.
Công tác dân vận ở Ban CHQS huyện Bình
Xuyên cũng có nhiều việc làm sát thực, hiệu quả. Mấy năm gần đây, trên
địa bàn huyện đã xảy ra một vài “điểm nóng” về khiếu kiện đất đai khá
phức tạp. Để “hạ nhiệt” tình trạng này, Ban CHQS huyện đã chủ động phân
công cán bộ trực tiếp đến cơ sở để cùng với lực lượng dân quân ở các xã
có “điểm nóng” đến từng nhà vận động, thuyết phục bà con chấp hành đúng
pháp luật Nhà nước, không tạo “áp lực” cho chính quyền và cơ quan chức
năng; đồng thời động viên người dân yên tâm lao động sản xuất, bình tĩnh
và kiên trì tuân thủ các thủ tục, trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo
đúng quy định. Thượng tá Sái Công Bàng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện
Bình Xuyên cho biết: Ngoài việc làm trên, Ban CHQS huyện đã thành lập 9
tổ công tác dân vận, vận động được 236 hộ dân thực hiện giải phóng mặt
bằng đúng thời gian, tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng
cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp Bá Thiện, Bình Xuyên và mở rộng
các đường giao thông quốc gia đi qua địa bàn huyện. Hiện nay, 4 xã của
huyện là Tân Phong, Tam Hợp, Hương Sơn và Trung Mỹ đã và đang hoàn thiện
những tiêu chí cơ bản về xây dựng nông thôn mới, có một phần đóng góp
công sức của cán bộ, chiến sĩ LLVT trong huyện.
Xác định làm tốt công tác dân vận không
chỉ góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa bàn an toàn, vững mạnh, mà còn
góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của đơn vị,
những năm qua, hoạt động dân vận của LLVT tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng đi
vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực. Nhất là sau khi phát động cuộc
vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội
Cụ Hồ” từ đầu năm 2014, LLVT tỉnh Vĩnh Phúc càng chú trọng xây dựng “thế
trận lòng dân” trên địa bàn. Với phương châm “Ở đâu có bộ đội, dân
quân, tự vệ, ở đó có hoạt động dân vận”, Đảng ủy-Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc
đã chỉ đạo 100% cơ quan, đơn vị, nhà trường tích cực tham gia phong trào
“Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Từ đầu năm 2015 đến nay,
đã có 181/347 đầu mối dân quân, tự vệ tổ chức huấn luyện quân sự kết hợp
làm công tác dân vận tại cơ sở. Bộ CHQS tỉnh đã huy động hơn 1.100 cán
bộ, quân nhân chuyên nghiệp thuộc cơ quan quân sự tỉnh và các huyện, thị
xã, thành phố và cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ tham gia giúp đỡ nhân
dân vận chuyển được hơn 330m3 đất đá vật liệu, san lấp gần 400m3 cho
75km đường giao thông nông thôn, sân nhà văn hóa thôn; vệ sinh, tu sửa
96.400m2 nghĩa trang liệt sĩ; vệ sinh môi trường 125km đường làng ngõ
xóm; thu gom, vận chuyển 165 tấn rác thải; tu sửa, nạo vét 48km kênh
mương nội đồng…
Nói về ý nghĩa những việc làm giúp dân
của LLVT tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua, Đại tá Nguyễn Việt Đức, Phó
chính ủy Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ: “Việc tăng cường bám dân, gần
dân, cùng cấp ủy, chính quyền các cấp chăm lo cho nhân dân có cuộc sống
ngày càng ấm no, hạnh phúc vừa là tình cảm, tấm lòng tri ân đối với nhân
dân, vừa là bổn phận, trách nhiệm chính trị của người quân nhân cách
mạng. Bởi vì, sức mạnh của LLVT tỉnh nhà bắt nguồn từ lòng dân, từ sức
mạnh chở che, đùm bọc của nhân dân. Việc giúp dân còn là một cử chỉ ân
nghĩa, thủy chung-một nét đẹp văn hóa truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ đã
được thể hiện sinh động trong chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng
thành của Quân đội ta hơn 70 năm qua”.
Nguồn: Qdnd.vn, ngày 7/9/2015