Công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2014
Bộ
Nội vụ vừa công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2014 của
các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
PAR
INDEX cấp bộ gồm 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần. PAR
INDEX cấp tỉnh gồm 8 lĩnh vực, 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần.
Việc đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần được thực
hiện theo các phương pháp: Tự đánh giá, chấm điểm của các bộ, các tỉnh
theo thang điểm đã quy định; Bộ Nội vụ thẩm định điểm của các bộ, tỉnh
tự đánh giá, chấm điểm với sự tư vấn của Hội đồng thẩm định và điểm đánh
giá qua điều tra xã hội học.
Kết
quả PAR INDEX cấp bộ có 2 nhóm điểm, bao gồm: Nhóm thứ nhất, đạt kết
quả PAR INDEX trên 80% gồm 5 bộ, cơ quan ngang bộ là: Bộ Giao thông vận
tải, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ. Nhóm
đạt kết quả PAR INDEX từ trên 70% đến dưới 80% gồm 14 bộ, cơ quan ngang
bộ còn lại. 7/19 bộ, cơ quan ngang bộ có kết quả PAR INDEX tăng đều qua 3
năm gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tăng 7,57 điểm; Bộ Tài nguyên và
Môi trường, tăng 8,94 điểm; Bộ Nội vụ tăng 5,67 điểm; Bộ Tài chính tăng
4,51 điểm; Bộ Xây dựng tăng 4,18 điểm; Bộ Giao thông vận tải tăng 1,25
điểm; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng 1,96 điểm. Các bộ: Tư Pháp,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương có kết quả giảm đều từ
năm 2012 qua 2013 cho tới năm 2014.
Kết
quả PAR INDEX của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự tăng
đều về điểm số, giá trị trung bình cao hơn so với giá trị trung bình PAR
INDEX của các bộ. Giá trị trung bình PAR INDEX của các tỉnh, thành phố
là 81,21%, cao hơn so với năm 2013 và năm 2012.
Kết
quả PAR INDEX năm 2014 của 3 thành phố trực thuộc trung ương là Đà
Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội đạt trên 90%. Có đến 44 tỉnh, thành phố đạt
kết quả tốt từ 80% trở lên, gấp đôi số lượng năm 2013 (PAR INDEX năm
2013 có 22 tỉnh đạt kết quả trên 80%, con số này trong năm 2012 là 19
tỉnh, thành).
Xét
theo giá trị tăng, giảm điểm số PAR INDEX từ năm 2012 đến năm 2014 có
tới 56/63 tỉnh, thành phố có kết quả năm 2014 tăng hơn so với năm 2013.
Có 32/63 tỉnh, thành phố có kết quả PAR INDEX tăng đều qua 3 năm. Đáng
chú ý là tỉnh Đồng Nai tăng 14,49 điểm, Hòa Bình tăng 13,43 điểm, Lạng
Sơn tăng 12,45 điểm, Kiên Giang tăng 11,74 điểm, Lâm Đồng tăng 11,72
điểm và tỉnh Quảng Bình tăng 11,65 điểm.
Phát
biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị các bộ,
ngành, địa phương cần có những biện pháp cụ thể để khắc phục những điểm
yếu, những lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần có điểm thấp để nâng
chỉ số cải cách hành chính cho những năm tiếp theo. Thứ trưởng Trần Anh
Tuấn cho biết: “Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục theo dõi, rút kinh nghiệm và có
điều chỉnh cần thiết về Chỉ số cải cách hành chính, hướng đến có được
Chỉ số cải cách hành chính ngày càng hoàn thiện, phù hợp hơn”.
Thí điểm tinh gọn tổ chức các Chi cục Hải quan
Tổng
cục Hải quan sẽ sắp xếp lại cơ cấu tổ chức tất cả các chi cục trong
toàn Ngành. Trước mắt, việc sắp xếp này được thực hiện thí điểm tại các
chi cục trực thuộc Cục Hải quan Hải Phòng và Cục Hải quan Thành phố Hồ
Chí Minh.
Theo
dự thảo do Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Hải quan) xây dựng, việc sắp xếp
lại các chi cục dự kiến được thực hiện theo hướng thống nhất mô hình tổ
chức đối với từng loại hình chi cục; đảm bảo tinh gọn, bao quát các
chức năng, nhiệm vụ của chi cục và việc kiểm tra, giám sát, hỗ trợ giữa
các khâu nghiệp vụ; công tác kiểm soát hải quan (bao gồm cả kiểm soát ma
túy) giao cho một đầu mối đảm nhiệm.
Theo đó, cơ cấu tổ chức dự kiến
của các chi cục Hải quan phân theo loại hình gồm: Nhóm thứ nhất là Chi
cục quản lý cửa khẩu hàng không; Nhóm thứ hai là Chi cục quản lý cảng
biển; Nhóm thứ ba là Chi cục quản lý cửa khẩu đường bộ, đường sông và
đường sắt; Nhóm thứ tư là Chi cục quản lý địa bàn ngoài cửa khẩu.
Sớm ban hành văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư
Bộ
trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết những nghị định
hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sẽ sớm được ban hành trong
tháng 9.
Theo
Bộ trưởng, chỉ thời gian ngắn sau khi hai luật này có hiệu lực
(01-7-2015), qua cuộc điều tra toàn bộ trên 63 tỉnh thành cả nước, bình
quân thời gian đăng ký kinh doanh của cả nước chỉ hết 2,6 ngày, tức là
chưa đến 3 ngày theo quy định. Sau 50 ngày đầu tiên kể từ khi 2 luật này
có hiệu lực, số doanh nghiệp đăng ký mới đã tăng lên 13.000 (trên 73%)
so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này có được là do kinh tế đang từng
bước phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định và những nguyên nhân khác, và quan
trọng cũng là do thủ tục tham gia thị trường đơn giản hơn, minh bạch hơn
và ít rủi ro hơn.
Về
lý do tại sao các nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư
chậm được ban hành, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, việc ban hành hai
luật này là đột phá rất lớn. Chúng ta đã lựa chọn phương pháp "chọn
bỏ", có nghĩa là cái gì Nhà nước cấm thì Nhà nước công bố, cái gì Nhà
nước không cấm thì doanh nghiệp được tự do kinh doanh. Cho nên các bộ,
ngành và cơ quan soạn thảo phải lọc ra có bao nhiêu ngành nghề cấm, có
bao nhiêu ngành nghề có điều kiện, còn lại là tự do kinh doanh. Đây là
một công cuộc rà soát khổng lồ, đòi hỏi phải tiến hành rất cẩn thận. Bởi
nếu rà soát không cẩn thận thì có những ngành, nghề rất nguy hiểm lại
bỏ lọt, để kinh doanh thoải mái thì gây nên hậu quả cho xã hội. Cho nên,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải làm việc với 16 bộ, ngành Trung ương để
khớp lại với nhau. Theo Bộ trưởng, đến giờ phút này, về cơ bản không còn
vướng mắc nhiều như những ngày đầu tiên và trong tháng 9 thì sẽ ban
hành được những nghị định này.
Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp
Nhiều
năm qua, ngành Hải quan đã luôn nỗ lực cải cách thủ tục hành chính,
hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ nhằm giảm thời gian thông quan hàng
hóa. Đây chính là “đòn bẩy” góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng
cao sức cạnh tranh.
Từ
những năm 90 của thế kỷ trước, Tổng cục Hải quan đã bắt đầu khởi xướng
các chương trình cải cách và hiện đại hóa thủ tục hải quan. Hiện nay,
ngành Hải quan đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực
hải quan thông qua việc triển khai các hệ thống công nghệ thông tin như:
Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; hệ thống kế toán thuế tập
trung; hệ thống E-Manifest… để đơn giản hóa các quy trình thủ tục, giảm
bớt giấy tờ trong bộ hồ sơ hải quan.
Bên
cạnh đó, ngành Hải quan luôn tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng
doanh nghiệp để cải thiện hoạt động quản lý của hải quan nhằm tạo điều
kiện thuận lợi và môi trường minh bạch cho hoạt động xuất nhập khẩu của
doanh nghiệp. Từ ngày 01-01-2015 đến nay, hệ thống quản lý rủi ro, phân
luồng tổng số 3,9 triệu tờ khai xuất nhập khẩu; tỷ lệ kiểm tra hàng hóa
hiện chỉ còn 8,3%, góp phần giảm thời gian thông quan hàng hóa, tiết
kiệm chi phí cho doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và
các cơ quan hữu quan đánh giá cao.
Những
năm qua, ngành Hải quan thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại để
doanh nghiệp có điều kiện phản ánh những vướng mắc về cơ chế, chính sách
quản lý xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, tinh thần thái độ phục vụ của
cán bộ, công chức Hải quan.
Bằng
biện pháp này, Tổng cục Hải quan và các Cục Hải quan địa phương đã kịp
thời tháo gỡ nhiều vướng mắc của các doanh nghiệp và nắm thêm được những
thông tin bổ ích phục vụ công tác cải cách hành chính về hải quan và
kịp thời chấn chỉnh nhiều việc làm sai trái, xử lý những biểu hiện tiêu
cực.
Qua
hơn một năm triển khai, công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan -
Doanh nghiệp đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Đến nay,
cơ quan Hải quan đã đăng tải 3.246 lượt văn bản quy phạm pháp luật và
văn bản hướng dẫn qua hệ thống website toàn Ngành; tổ chức 167 buổi hội
thảo, tập huấn; 58 hội nghị đối thoại (trong đó có 4 hội nghị phối hợp
các đơn vị ngoài Ngành); phát 2.796 tờ rơi, ấn phẩm; hỗ trợ, giải đáp
vướng mắc trực tiếp 21.245 câu hỏi tại cơ quan Hải quan và 277 vướng mắc
trực tiếp tại trụ sở doanh nghiệp, 25.323 trường hợp qua điện thoại…
Thành phố Hồ Chí Minh: Tuyên dương "Cán bộ, công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện"
Ngày
06-9, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên dương và trao giải
thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện” cho 21 cá
nhân có thành tích xuất sắc. 21 gương điển hình được xét chọn từ 107 hồ
sơ đề cử đã có những hoạt động thiết thực trong việc học tập và làm theo
tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, có các giải
pháp, hiến kế giúp nâng cao hiệu quả công việc. Ví dụ như sáng kiến
“Công trình một cửa Văn minh - Hiện đại - Thân thiện” thực hiện tại UBND
Phường, của Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân Lê
Doãn Luyến là một trong những giải pháp góp phần đẩy mạnh thực hiện việc
cải cách hành chính, tiến tới xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp,
hiện đại, hiệu quả…
Giải
thưởng “Cán bộ - công chức - viên chức trẻ giỏi, thân thiện” được Thành
phố Hồ Chí Minh tổ chức hàng năm dành cho cán bộ, công chức, viên chức
đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp
trên địa bàn thành phố. Giải thưởng tạo môi trường giao lưu, trao đổi
kinh nghiệm của cán bộ trẻ nhằm phát huy vai trò xung kích sáng tạo
trong tham gia thực hiện chương trình cải cách hành chính của Thành phố.
Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực của tổ chức Đoàn nhằm
đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Chủ tịch
Hồ Chí Minh trong tuổi trẻ Thành phố./.
Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 7/9/2015